quá khứ vinh quang của ông ta. Cái mũ giấy hình như không vừa với cái đầu nghiêng
qua ngả lại nên phải luôn luôn sửa cho ngay thẳng. Có lúc, ông ta chưa kịp sửa mũ thì
ngay lập tức đã bị một thanh niên mày rậm mũi cao dùng đầu gốc húc vào mông đít. Đó
chính là Tây Môn Kim Long, tên công khai vẫn là Lam Kim Long. Anh ta rất khôn
ngoan không đổi họ, bởi nếu đổi họ thì sẽ tự khai cái thành phần địa chủ ác bá của
mình, ngay lập tức sẽ trở thành kẻ bị người khác hành hạ. Bố tôi tuy làm ăn cá thể, song
thành phần cố nông không hề mất. Cố nông! Trong thời đại này, đó là cái nhãn hiệu
đang rực sáng huy hoàng, ngàn vàng khó mua!
Kim Long mặc chiếc áo quân trang chính hiệu xin được từ Tiểu Thường, mặc chiếc
quần nhung màu lam, mang đôi giày da đen, đeo chiếc thắt lưng da trâu to bản. Chiếc
thắt lưng này vốn là của các quân nhân cao cấp thuộc quân đoàn Anh Vũ của Bát lộ
quân và Tân tứ quân chuyên dùng. Trên vai anh ta, phù hiệu Hồng vệ binh lấp lánh.
Phù hiệu của những người cấp dưới được làm bằng vải màu đỏ, những chữ trên áo
dùng giấy vàng dán vào. Còn phù hiệu trên vai áo anh ta được làm bằng loại lụa tốt
nhất, chữ số trên ấy là dùng chỉ màu vàng thêu rất cẩn thận. Toàn huyện chỉ có mười
cái loại này, được làm bởi cô thợ thêu có tay nghề cao nhất trong xưởng công nghệ
phẩm huyện thêu liên tục mấy ngày liền. Cô ấy thêu được chín cái rưỡi thì thổ huyết mà
chết, máu nhuộm đỏ cả phù hiệu, sao mà bi tráng! Cái mà Kim Long đang đeo trên vai
chính là cái thứ mười, chữ “Hồng” trên ấy có mùi máu của cô thợ thêu đấy! Hai chữ
“vệ binh” còn lại là do Bảo Phượng thêu. Cái báu vật này Kim Long chộp được là do
một lần anh ta lên Bộ tư lệnh Hồng vệ binh thuộc phái Kim Hầu phấn khởi gặp “Lừa
lớn kêu” - bạn cũ của anh ta. Hai kẻ “lừa kêu” lâu ngày gặp nhau, vui vẻ vô cùng, tay
bắt mặt mừng, dùng nghi lễ thời cách mạng đối đãi với nhau, thông báo cho nhau tình
hình cách mạng ở làng ở huyện. Tôi không có mặt ở đó, song có thể khẳng định “Lừa
lớn kêu” nhất định có hỏi thăm Bảo Phượng, vì tôi nghĩ anh ta vẫn còn giữ hình bóng
của chị ấy trong lòng.
Kim Long lên huyện là để thỉnh kinh, tức là đi tìm tài liệu để làm cách mạng. Cách
mạng Văn hóa bùng phát, ở làng tôi mọi người cũng muốn động đậy đôi chút nhưng
chẳng biết “mạng” này phải “cách” thế nào nên đành nằm im. Kim Long vốn thông
minh, ngay lập tức hiểu ra vấn đề căn bản. “Lừa lớn kêu” chỉ cần nói với anh ta một
câu: Giống như thời tranh đấu với bọn địa chủ ác bá, bây giờ đấu tranh với cán bộ Cộng
sản. Đương nhiên cũng đừng để cho bọn địa chủ phú nông phản cách mạng đã từng bị
Đảng Cộng sản đấu tố có những tháng ngày yên bình. Mọi người đều ngay lập tức sáng
tỏ, máu trong người Kim Long như sôi lên. Lúc chia tay, “Lừa lớn kêu” lấy cái phù
hiệu thêu dở dang và một nắm chỉ thêu đưa cho Kim Long, nói rằng Bảo Phượng thông