phải nhập vai kẻo khóc trước quan tài mà không có nước mắt. Tôi nhìn bộ tang phục
rộng thùng thình của mình, nhìn gương mặt hốc hác vì thiếu ăn của Xuân Miêu mà nỗi
thương cảm dâng trào, bất giác nước mắt tôi trào ra. Xuân Miêu, em yêu! Đáng ra em
phải sống trong nhung lụa bạc vàng, ngờ đâu phải theo tôi đến nơi xa lạ này. Xuân
Miêu nhào vào lòng tôi khóc nức nở, toàn thân rung lên bần bật. Đạo diễn quát to:
- Cắt! Diễn như thế này thì hơi quá đáng!
... Trước khi đậy nắp quan tài, bà Hứa lật tờ giấy che mặt mẹ ông, nói:
- Các con các cháu! Hãy nhìn mặt bà lần cuối cùng. Đừng để cho nước mắt rơi vào
mặt bà nhé!
Mặt mẹ ông đã sưng lên, trông như được đánh một lớp phấn màu vàng. Mắt bà vẫn
mở he hé, dường như vẫn còn hai luồng ánh sáng yếu ớt trong ấy như muốn thu tất cả
những gương mặt con cháu để mang vào cõi vĩnh hằng.
- Mẹ ơi! Kim Long gào lên.
- Mẹ ơi! Cho con theo với! Bảo Phượng bíu lấy thành quan tài như muốn nhảy vào
trong. Hai người đàn bà bước lên, kéo cô ấy ra ngoài. Vợ ông dường như chẳng còn sức
để mà khóc, đôi mắt thất thần nhìn toàn cảnh, vừa như nhìn tận đâu đâu.
Ông Hứa hô một tiếng, có mấy người xách hòm dụng cụ từ ngoài sân chạy vào, cẩn
thận nâng chiếc nắp lên, đậy chiếc quan tài trong đó có mẹ ông chết không nhắm mắt
lại. Tiếng đóng nêm lẫn với tiếng khóc vang trời.
Liên tiếp hai ngày sau, Kim Long, Bảo Phượng, Hỗ Trợ, Hợp Tác thay phiên nhau
túc trực bên quan tài, đáp lễ người đến viếng. Rất đông. Ông Hứa ngồi dưới gốc cây
hạnh ghi danh sách người viếng và lễ viếng. Trời rét đậm, trên cành hạnh tuyết đã phủ
đầy.
... Sau khi nghe đạo diễn phê bình, chúng tôi cố gắng kiềm chế sự mềm yếu của
mình. Tôi cứ lẩm nhẩm: Mình không phải là Lam Giải Phóng, mình là thổ phỉ giết
người không nháy mắt. “Mặt Xanh” mình đã từng gài lựu đạn trong bếp để giết chết vợ
khi cô ấy làm cơm sáng cho mình ăn, đã từng cắt lưỡi một đứa bé gái khi nó dám gọi
mình là “Mặt Xanh”. Mẹ chết, mình rất đau lòng, nhưng nước mắt mình chảy ít, phải
ém chặt trong lòng vì nước mắt của mình cực hiếm, không thể chảy một cách tùy tiện...
Nhưng chỉ cần nhìn thấy Xuân Miêu mặc tang phục thì những trải nghiệm trong cuộc
đời thực lại áp đảo những kinh nghiệm phim trường, sự mềm yếu cá nhân che mờ kinh
nghiệm diễn xuất. Quay đi quay lại mấy lần, đạo diễn đã có vẻ không còn nhẫn nại nữa.
Ngày ấy, Mạc Ngôn cũng đến phim trường. Tôi nghe đạo diễn nói thầm gì đó với
anh ta, chỉ nghe Mạc Ngôn xẵng giọng: