Tôi và ông về đến nhà thì đã nửa đêm. Mấy con chó làng Tây Môn bắt chước chó
phố huyện đang tụ tập trên mảnh sân rộng trước trụ sở ủy ban, xếp thành một vòng tròn
vây quanh một con chó cái to tướng. Bọn chúng đang đồng ca một bài hát viết về ánh
trăng. Đối với con người, ngôn ngữ của loài chó chỉ là những tiếng sủa đáng ghét,
nhưng tất nhiên là tôi hiểu ca từ của bài hát này:
... Trăng ơi, trăng ơi! Trăng sáng vô cùng,
Trăng rọi khắp nơi, cuộc đời tang thương.
Người đẹp, người đẹp! Đang đi trên đường,
Cô cười với ai, lòng ta vấn vương...
Cũng trong đêm ấy, tôi nghe được đoạn đối thoại đầu tiên và cũng là cuối cùng giữa
hai người sắp chết. Bố ông đập đập vào bức tường đất, nói:
- Mẹ thằng Khai Phóng à!
- Con đang nghe đây. Bố cứ nói đi!
- Chỗ nằm của con bố đã chọn rồi, ngay phía sau mộ mẹ con, khoảng mười bước
chân.
- Cám ơn bố! Con yên tâm rồi. Sống làm người họ Lam, chết con làm quỷ nhà họ
Lam!
... Đã biết là cô ấy không thể ăn gì nhưng tôi cũng mua về rất nhiều thứ. Khai Phóng
mặc đồ cảnh sát, lái xe môtô ba bánh đưa chúng tôi về làng. Xuân Miêu ngồi lọt thỏm
trong thùng xe, chung quanh chất chồng nào hộp, nào gói. Con đường nhựa phẳng lỳ
thênh thang, hai bên trồng toàn cây hạnh đã to bằng bắp đùi. Mấy năm nay, diện mạo
làng Tây Môn thay đổi đến chóng mặt. Nhà máy, công ty, khách sạn... chen nhau dọc
hai bên đường. Người ta cứ nói Tây Môn Kim Long và Bàng Kháng Mỹ không làm
được việc gì có ích cho làng Tây Môn cũng như huyện Đông Bắc Cao Mật, quả là
không công bằng, thiếu khách quan và đầy ác ý.
Khai Phóng dừng mô tô trong sân, chẳng tỏ thái độ gì, hỏi:
- Vào thăm ông trước hay mẹ tôi trước?
Tôi suy nghĩ giây lát rồi nói:
- Theo đạo lý, cứ vào thăm ông trước!
Cửa phòng bố đóng im ỉm. Khai Phóng gõ cửa, chẳng có tiếng trả lời. Nó đến bên
cửa sổ, nói vọng vào trong:
- Ông nội ơi! Cháu là Khai Phóng. Con trai ông đã về đây này!
Trong phòng vẫn lặng yên, lát sau có tiếng thở dài não ruột vọng ra. Tôi quỳ xuống
trước cửa sổ, Xuân Miêu cũng quỳ theo: