móng sắt được đường núi chà xát cho sáng loáng lên dưới ánh trăng, nước mắt tôi cũng
trào ra như suối.
Vừa động viên, ông chủ vừa giúp tôi đứng lên. Do được bó những miếng vải dày
cộp nên chân tôi có thể tạm thời đặt xuống đất nhưng không thể giữ thăng bằng toàn
thân. Tây Môn Lừa chạy như bay không còn nữa rồi! Chỉ còn một con lừa khập khiễng
từng bước, mỗi bước một lần cúi đầu, nghiêng ngả xiêu vẹo mà thôi! Rất nhiều lần tôi
muốn nhảy xuống sườn núi để kết thúc kiếp lừa bi thảm của mình nhưng chính sự yêu
mến thực lòng của ông chủ đã giữ tôi lại thêm một thời gian nữa.
Từ chỗ khai thác quặng trên núi Trâu Nằm đến thôn Tây Môn ở Đông Bắc Cao Mật
hơn một trăm cây số, nếu chân tôi còn lành lặn thì đoạn đường ấy chẳng là gì cả.
Nhưng tôi đã mất một chân, đi lại thật khó khăn, suốt đường đi máu vẫn ri rỉ chảy. Nỗi
đau về thể xác khiến tôi run rẩy, từng đợt lan tỏa dần giống như mặt nước gợn sóng lăn
tăn khi có làn gió nhẹ lướt qua.
Đến địa phận Đông Bắc Cao Mật thì cái chân gãy của tôi bắt đầu hôi thối. Từng đàn
nhặng xanh bâu lấy chân tôi, tiếng vo ve của chúng lúc này lại làm tôi muốn điếc cả lỗ
tai. Ông chủ bẻ mấy cành lá kết lại thành một bó để đập nhặng. Đuôi tôi lúc này cũng
không còn chút sức lực nào để ve vẩy nữa, cứt đái cứ mặc sức tuôn ra làm thân sau của
tôi trông bẩn và hôi thối gớm ghiếc. Cứ một cú đập của ông chủ là có đến mười mấy
con nhặng chết tươi, nhưng ngay lập tức lại có một đàn khác xông đến. Ông chủ cởi
chiếc quần dài xé ra tiếp tục băng bó cái chân cụt của tôi, chỉ mặc độc nhất một cái
quần lót bé xíu đủ che chỗ kín. Trông bộ dạng ông lúc này thật kỳ quái. Mình trần trùng
trục nhưng chân lại mang đôi giày to tướng, nặng trịch!
Không thể kể hết những phong sương mà chúng tôi trải qua trên đường. Tôi đành
lòng gặm cỏ khô, còn ông chủ thì ăn những quả dại ven đường cho đỡ đói. Chúng tôi
không đi đường lớn mà chủ yếu là tìm những con đường nhỏ, vừa nhanh vừa ít gặp
phải người, khi gặp ai đó là tôi và ông chủ phải vội vàng ẩn nấp, chẳng khác nào những
kẻ đào ngũ ngoài chiến trường trở về. Hôm chúng tôi đi ngang qua làng Hoàng Phủ,
gặp lúc làng này đang khai trương bếp ăn tập thể. Mùi cơm và thức ăn xông lên sực
mũi. Rõ ràng tôi nghe thấy tiếng ùng ục từ trong bụng của ông chủ phát ra. Ông ta nhìn
tôi, đôi mắt ngấn nước. Dùng đôi vai bẩn thỉu quệt nước mắt, tự nhiên đôi mắt ông đỏ
ngầu, nói:
- Đ. mẹ! Tiểu Hắc! Chúng ta sợ gì chứ? Sao lại phải nấp chứ? Chúng ta đã làm điều
gì sai đến nỗi không dám gặp mọi người? Người quang minh chính đại không sợ ai cả.
Vết thương của mày là do mày đi công tác, đáng lý ra nhà nước phải đảm nhiệm việc