Cả đêm tôi ngồi trong phòng mẹ, chúng tôi thật lạc lõng trong thành phố
này.
Mẹ trầm tư không nói gì, tôi biết trong lòng mẹ nhớ thương chị, tôi nhẹ
nhàng an ủi mẹ: “Chúng ta chỉ tạm tránh đi một thời gian, khi mọi việc đã
qua đi chúng ta lại có thể trở lại. Dù sao chúng ta cũng chẳng phải nhân vật
quan trọng gì nên chắc họ không để mắt đến chúng ta lâu đâu.”
Thế lực của hội Tam Hòa trong thành phố này càng ngày càng lớn, lần này
chúng tôi ra đi có lẽ rất lâu sau mới có thể quay trở lại.
Mẹ lật dưới gối lôi ra một con búp bê cũ, tôi đã từng nhìn thấy con búp bê
ấy, lúc còn bé tôi muốn lấy ra chơi nhưng mẹ không bao giờ cho tôi động
vào.
Mẹ kể: “Năm ấy mẹ sinh chị con, trẻ con nhà nào trong thị trấn cũng có đồ
chơi, nhà mình nghèo quá không mua nổi. Hồi bé chị con quấy lắm, cứ
động cái là khóc ăn vạ không ai dỗ được. Lúc ấy mẹ nghĩ mình không mua
nổi thì tự làm là được chứ sao.”
Mẹ dừng lại rồi tiếp tục kể: “Con có nhiều chú thím, lúc lao động mọi
người hay đeo găng tay sợi, đeo lâu ngày găng tay rách không dùng được
nữa mẹ bảo mọi người đừng bỏ đi mà để cho mẹ, mấy cái găng tay ấy bẩn
lắm, mẹ dùng nước suối ra sức giặt rồi tháo tung những chiếc găng tay rách
ra, rút những sợi ở giữa còn lành lặn ra và học thím Bảy khâu con búp bê
này.”
Mẹ mỉm cười khe khẽ, tôi biết mẹ đang nhớ đến cảnh chị đang quấy khóc
được cầm con búp bê thì ngoan ngoãn nín ngay.
Mẹ lại kể: “Chị con thích con búp bê này lắm, mẹ cứ đưa cho chị là nó
không khóc nữa. Sau đó mẹ sinh con, vừa sinh ra đã mắc bệnh nặng, ông
chủ Lâm trong thành phố là một người tốt, ông ấy đã đưa tiền cứu mạng
con cho mẹ, mẹ không thể không nhận, đó chính là sinh mệnh con.”
Giọt nước mắt lăn dài trên má mẹ, tôi không biết phải nói gì cho phải, chỉ
ngồi im lặng lắng nghe.
Mẹ kể: “Mẹ đã đi dò hỏi, vợ ông Lâm không có khả năng sinh đẻ, ông ấy
hứa với mẹ sẽ đối xử tốt với chị con. Hôm đó, khi ông Lâm bế chị con đi,
nó khóc ghê lắm, mẹ liền đưa cho nó con búp bê này, thế là nó nín ngay.