Nghề thứ hai là câu trộm cá Hồ Tây. Anh có một bến câu ở bên Nghi
Tàm, chỗ vườn nhà bà mẹ nuôi Tưởng Dơi và bến ở phía sau trường Chu
Văn An, chỗ vợ chồng anh tá túc. Mỗi đêm, nhất là những đêm mưa
chuyển mùa, cá lên ăn nhiều, anh có thể câu được vài ba con cá chép, cá
trắm cỏ, con nào cũng một vài cân. Con thì ăn, con thì đưa ra chợ Tân Long
bán. Có lần Đội bảo vệ Thủy sản Hồ Tây bắt quả tang Phùng Quán đang
câu cá. Họ tịch thu cần câu và mấy con cá vừa câu được. Phùng Quán năn
nỉ mãi họ không chịu tha. Cuối cùng nhà thơ phải đọc bài thơ Lời mẹ dặn
và xưng danh là Phùng Quán, rồi chìa cái huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên ra
cho họ xem. Anh em bảo vệ Thủy sản Hồ Tây nghe tên Phùng Quán “nhân
văn giai phẩm phản động” đã lâu, nay mới “mục sở thị” nên thông cảm
lắm. Từ đó họ thấy nhà thơ câu cá cũng lờ đi. Cảm động hơn nữa là trong
đám tang Phùng Quán tháng 1 năm 1995, có một vòng hoa viếng rất trang
trọng của Đội bảo vệ Thủy sản Hồ Tây đó. Cái câu “Cá trộm – văn chui –
rượu chịu” là do anh Quán tự họa chân dung một thời của mình vừa đúng
vừa xót xa.
Bút tích nhà văn Phùng Quán.
Nghệ sĩ cực nhất thời bao cấp mà tôi quen biết có lẽ là nhà thơ Hoàng
Cát. Hoàng Cát là nhà thơ đã từng là chiến sĩ quân giải phóng, chiến đấu ở
chiến trường Thừa Thiên Huế khốc liệt những năm đánh Mỹ. Và anh đã để
lại một bàn chân ở nơi đây. Khi được xuất ngũ về hậu phương, Hoàng Cát