mảnh vá hơn, còn tất cả ngư dân trên tàu không có lấy một bộ quần áo nào
lành lặn. Mỗi người hai bộ vá chằng vá đụp. Cứ như là áo quần họ may từ
giẻ rách vậy. So với họ, ngư dân làng Thượng Luật của tôi tươm tất hơn
nhiều.
Sau khi biết nơi tàu họ dạt vào là đất thuộc về Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người nào cũng rút trong túi trên
ngực áo ra, giơ cao cuốn Mao tuyển bìa đỏ chót, nhỏ bằng bàn tay, giấy
láng coóng. Nghe thầy Ngữ nói, người Trung Quốc khi đọc Mao tuyển,
nhảy xuống biển không cần phao cũng nổi, không chết bao giờ. Nhưng
trước mắt tôi, hình ảnh cuốn Mao tuyển đỏ chót sang trọng và những tấm
thân tàn đói rách của họ sao mà phản cảm. Tôi bỗng nhiên thương những
ngư phủ ấy. Nghe nói sau đó họ được xã đưa lên huyện. Huyện Lệ Thủy
may cho họ mỗi người hai bộ quần áo đàng hoàng rồi đưa xe chở ra tỉnh để
trả họ về nước bằng con đường ngoại giao. Còn con tàu mắc cạn thì nằm lại
đó, bị cát biển lấp lần. Sau này hình thành một xóm dân ở đó, gọi là xóm
Tàu.
Ðội nữ pháo binh Ngư Thủy, còn gọi là C Gái.
Sau này, thấy cảnh Trung Quốc xua 60.000 quân rầm rộ tấn công sáu
tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, đốt phá, giết người man rợ, rồi chiếm quần
đảo Hoàng Sa, chiếm đảo Gạc Ma ở Trường Sa của ta, nhớ lại việc bà con
dân làng Thượng Luật mình đối đãi tử tế với ngư phủ Trung Quốc mà ức!