Tôi nhớ cụ Huấn ở thôn Cổ Liễu, xã Liên Thủy vì cụ là con người
quắc thước, rất ngay thẳng và có nhiều câu nói rất hình ảnh. Có lần cụ vác
sào và lưới từ dưới bến thuyền lên, trông thấy chúng tôi nấu ăn chụm củi
nhiều, lửa to quá, cụ hét: “Răng lửa đỏ vang trời rứa bay!”. Có lần lụt về,
cụ đi buộc đò dưới bến lên. Tôi hỏi, lụt ra răng? Cụ khoát tay: “Chà, nước
chảy xoắn tóc!”. Những hình tượng mà cụ Huấn nói đó cứ ám ảnh tôi hoài
và ảnh hưởng đến văn chương tôi sau này về cách dùng từ.
Đêm thức đốt đèn dầu hỏa học đến khuya, đói quá phải uống nước lã
thật no mới ngủ được. Buổi sáng chẳng ăn gì vì không đứa nào chịu thức
dậy nấu cơm. Đói và đói, cứ mong đến chiều thứ Bảy để về với mạ. Có lần
nhà trường phân phối cho học sinh mỗi đứa hai lạng rưỡi đường kính.
Chúng tôi bàn nhau nấu chè ăn một bữa cho đã. Thằng Vựng thèm đường
quá bảo: “Thôi đưa ra pha nước uống đi rồi mai nấu cháo trắng ăn, vào
trong bụng nó trộn nhau sẽ thành chè giống như người tù trong tiểu thuyết
Vượt Côn Ðảo nấu cơm sống để ăn vậy”. Có lý! Ba thằng pha nước đường
uống bằng hết. Nửa đêm đau bụng Tào Tháo đuổi chạy chí chết.
Đi học thời chiến
Năm 1965, Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trục
đường Quốc lộ 1A dọc các xã Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Hưng
Thủy của huyện Lệ Thủy là nơi máy bay đánh phá ác liệt nhất. Mỹ ngày
càng leo thang chiến tranh phá hoại trên miền Bắc, khắp nơi có bom rơi đạn
nổ, đặc biệt vùng Khu 4 quê tôi không lúc nào ngớt bom. Chỉ vài năm tất cả
các cây cầu đều bị đánh sập. Máy bay ném bom cả ngày lẫn đêm. Nhiều lần
chúng tôi đi học bị bom chặn, phải ẩn nấp chui nhủi trong bờ cát. Nguy
hiểm lắm. Mạ tôi lo quá, chép miệng bảo tôi: “Máy bay như ri, e nghỉ học
vài năm đã con...”. Nhưng tôi vẫn đi học trên con đường ấy mỗi tuần...
Tới năm lớp 9, niên khóa 1967 – 1968, cả trường cấp ba Lệ Thủy
được lệnh sơ tán ra huyện Tuyên Hóa. Học trò được cấp tiền ăn và sổ gạo y
như công nhân viên chức. Từ Lệ Thủy đến Tuyên Hóa gần 150 cây số, gần