Bà cụ già cảm ơn và ra về sau khi đã nghe đọc lại bức thư và dán kín
phong bì. Bà ở xa mãi tận thôn Ploubalance trong một xóm cạnh bờ biển,
vẫn tại ngôi nhà tranh, nơi bà đã sinh ra, lớn lên và có con có cháu.
Trên đường, bà gặp lại nhiều người chào hỏi, bà là người xưa nhất ở nơi
này, còn sót lại của một gia đình tử tế được quý trọng.
Cũng chỉ với chiếc áo cũ đã vá thôi, nhưng do khéo tay nên bà ăn mặc bao
giờ cũng tươm tất. Trên đầu bao giờ cũng thấy chiếc khăn màu nâu kiểu
khăn trùm tóc của phụ nữ Paimpol. Đã sáu chục năm nay người ta vẫn thấy
chiếc khăn nâu ấy rủ sau lưng dưới vành rộng của chiếc mũ trắng quen
thuộc. Chiếc khăn quàng ấy, bà có từ ngày làm lễ cưới, đến ngày con trai bà
là anh Pierre lấy vợ, bà đã đem đi nhuộm lại một lần, rồi từ ngày ấy trở đi,
cứ chủ nhật nó lại được lấy ra đi lễ nhà thờ. Đến nay chiếc khăn ấy vẫn còn
dễ coi.
Bà đi vẫn thẳng người không lòng không như những bà già khác; cằm bà
hơi dô, nhưng mắt vẫn sáng, khuôn mặt vẫn thanh, trông bà vẫn đẹp lão
lắm.
Bà rất được kính trọng, ai gặp cũng chào hỏi lễ phép.
Trên đường về bà đi ngang qua nhà người đàn ông ngày xưa đã để ý bà.
Ông là người làm nghề thợ mộc bây giờ đã tám mươi. Ông ta thường ngồi
ở cửa trông cho con cháu làm. Người ta nói rằng ông không sao quên được
việc ngày trước bà từ chối không nhận lời lấy ông. Đến nay ông vẫn còn
hằn học. Mỗi khi gặp bà ông thường nửa đùa nửa nhạo mà hỏi rằng:
“Này bà già xinh đẹp, đã cần tôi đến đo cho bà chưa?...”
Bà cảm ơn, nói rằng bà chưa phải cần đến bộ quần áo ấy. Ông ta ác khẩu
muốn nói cái bộ áo sáu tấm ấy mà, bộ áo quan bằng gỗ thông.
“Hễ bao giờ cần bà cứ bảo tôi, đừng e ngại gì, nhé...”
Ông ta đã nhiều lần khôi hài như thế nhưng hôm nay bà cụ chẳng thấy
buồn cười, với câu pha trò của ông ta, bà thấy mệt mỏi quá vì cuộc đời làm
lũ của bà, người đàn ông cuối cùng trong gia đình, lượt này ở Islande về nó
phải đi lính năm năm, có thể ra trận, mãi Trung Quốc. Chả biết lúc nó hết
hạn về bà có còn không.
Bà đang mải nghĩ về chuyện ấy, những muốn khóc được.