Pierre Loti
Sống trong bão biển
Dịch giả: Phạm Văn Vinh
Phần Thứ Nhất (2)
Lần đầu tiên cô gái gặp Yann là hôm sau, ngày cô đến dự lễ xá tội, ngày 8
tháng Chạp, ngày kỷ niệm Đức Mẹ, thần hộ mệnh của dân chài, sau ngày
rước một thời gian ngắn, đường phố rợp bóng băng cờ dính kín hoa lá mùa
đông.
Ngày lễ xá tội hôm ấy chỉ thấy nhộn nhạo mà không vui, có phần nào thô
kệch, thậm chí làm toát lên không khí sợ hãi, kinh hoàng.
Suốt ngày thành phố Paimpol om sòm chuông trống hát hò. Linh mục
đọc kinh, con chiên cầu khẩn; thuỷ thủ rủ rỉ những điều cũ kỹ; Rồi từ ngoài
biển vọng vào tiếng thở than của sóng gió. Thuỷ thủ nắm tay nhau đi nhung
nhăng ngoài phố, người nào cũng say mềm, ném vào phụ nữ những cái
nhìn hau háu sau những ngày dài chịu đựng ngoài biển khơi, nhóm các cô
gái, đầu đội mũ trắng, ngực căng, run rẩy, đôi mắt còn ánh lên những thèm
khát của những ngày hè. Trong các ngôi nhà cũ kỹ bằng đá granit lúc nhúc
những người như có tiếng kể lể những nỗi gian truân trong cuộc chống chọi
với mưa nắng, với sương tuyết bão bùng, với tất cả những gì do biển cả xô
đến, kể về những chuyện phiêu lưu, tình ái, những chuyện nóng bỏng một
thời.
Bên cạnh những quán rượu là thánh đường với những bậc thềm rắc đầy
lá cây, cửa mở rộng, khói trầm nghi ngút, đèn nến sáng rọi, và các đồ lễ của
thuỷ thủ treo trên mái vòm nhà thờ. Bên cạnh những mỹ nhân là vợ goá các
dân chài bị đắm thuyền, những người yêu của các thuỷ thủ mất tích. Họ từ
nhà thờ những ngưoiừ quá cố đi ra, trên vai là chiếc khăn tang dài và chiếc
mũ trắng trên đầu. Họ cúi gằm và lặng lẽ bước đi giữa những ồn ào của
cuộc sống như một cảnh báo ảm đạm. Và cạnh đấy là biển cả, vừa là những
người nuôi dưỡng, vĩ đại cũng lại là kẻ giết tróc khủng khiếp của nhiều thế
hệ dân chài, cũng đang om sòm dự phần vào ngày lễ hội.
Cô gái cảm thấy lo âu khi nghĩ rằng miền đất này bây giờ lại là nơi sinh