khóc. Cuối cùng hai bà cháu vào nhà thờ để đọc kinh.
Bà đi tàu chiều. Để tiết kiệm, hai bà cháu đi bộ ra ga, Sylvestre xách làn
quần áo cho bà để bà vịn vào nó mà đi. Bà lão thấy mỏi mệt quá ba bốn
hôm nay quá sức nhiều lưng bà cứ còng xuống,muốn thẳng người lên mà
không được, bà không sao cưỡng lại được với cái tuổi bảy mươi sáu của bà.
Cứ nghĩ đến lúc phải xa thằng cháu bà thấy trong dạ rối bời. Nó phải đi mãi
sang Trung Quốc, đến cái nơi đang diễn ra cảnh chém giết. Bây giờ nó
đang còn đây với bà, bà ôm nó trong đôi cánh tay già yếu, vậy mà tí nữa bà
phải xa nó; nước mắt của bà, nỗi lo âu thương xót của bà và cả sự chán nản
vô vọng cũng không sao ngăn được cho nó khỏi phải đi.
Tay xách làn, tay cầm vé, xúc động, run rẩy, bà căn dặn nó lần cuối.
Sylvestre cúi đầu sát xuống mặt bà, khẽ vâng vâng, đôi mắt hiền lành,
giọng nói rủ rỉ như một đứa trẻ.
Một nhân viên nhà ga giục:
“Cụ ơi!Mau lên tàu không nhỡ bây giờ!”
Tàu hú còi. Bà cụ vội vàng giật làn quần áo từ tay Sylvestre, để xuống
đất, níu lấy cổ nó mà ôm hôn thật thắm thiết.
Mấy người chung quanh người thì đẩy, người thì kéo, lôi được bà cụ lên
tàu và đóng sập cửa lại. Sylvestre chạy vòng ra cửa, đến đón đầu ở chỗ
đường chắn để được nhìn thấy bà khi tàu chạy qua.
Lại một tiếng còi nữa. Tàu chuyển bánh, chạy ra đường chắn. Sylvestre
vẫy chiếc mũ có giải bay phấp phới để cho bà lão nhìn thấy, còn bà lão đưa
đầu qua cửa sổ tàu vẫy chiếc mùi xoa để cho cháu dễ nhận, cố gắng gọi thật
to, và cứ nhìn mãi đến lúc khuất.
Hãy nhìn cho kỹ cụ ơi! Nhìn để nhớ lấy cái hình bóng thằng cháu; nó đi lần
này không bao giờ trở lại…
Bà lão ngồi phịch xuống ghế, thút thít khóc, cái mũ trên đầu cọ vào
thành tàu đã mất nếp, cụ cũng chẳng lưu ý.
Thằng cháu đi bước một quay về trại, nó vừa đi vừa sụt sịt, nước mắt
ròng ròng hai má. Đêm xuống những ngọn đèn đã bật sáng, buổi dạ hội bắt
đầu. Nó cứ lặng lẽ qua khu Brest, rồi qua cầu để về trại.
Lại vẫn tiếng mấy phụ nữ lúc nãy mời chào, trêu chọc.