gì lo ngại. Ở các gia đình có người đi biển, thì luôn có việc phải gặp Văn
phòng hải quân. Bà đã là con gái, là vợ, là mẹ, là bà của lính thủy, thì trong
sáu chục năm bà đã nhiều lần đến văn phòng ấy.
Để cho y phục được tươm tất, bà cụ đã bận chiếc áo dài đẹp, và đội
chiếc mũ trắng rộng vành. Đến hai giờ bà ra đi.
Trên đường đến Paimpol bà lại thấy trong lòng có điều gì đó không
yên, vì đã hai tháng nay bà không nhận được thư của thằng cháu.
Bà lại gặp lão già lẳng lơ đang ngồi ở cửa. Từ đầu mùa đông đến bây
giờ, lão suy sút nhiều. Nhìn thấy bà đi qua lão hỏi: “Thế nào? Đã cần đến
bộ áo chưa? Cần thì cứ bảo đừng ngại, người đẹp nhé” (lại vẫn cái áo quan
lão rủa từ xưa đến giờ).
Cảnh tượng thiên nhiên vào tháng Sáu thật đẹp. Trên núi cao, hoa cúc
vàng nở rộ, còn trong lũng sâu cây cối một màu xanh mướt, cỏ mọc lút đầu
người, tỏa hương trong gió.
Nhưng bà lão đâu có thấy được những cảnh trí đẹp đẽ ấy. Bà già quá
rồi, năm tháng chồng chất lên người bà. Nhiều nỗi đau buồn đã làm cạn đi
trong người bà những năng khiếu quí giá.
Bà mải miết đi để mau đến nơi có giấy gọi bà, để biết đích xác cái gì
đã xảy đến, tốt hay xấu.
Càng gần đến Paimpol bà càng cảm thấy lo lắng. Bà dấn bước thêm.
Bà đã vào đến thành phố. Những dãy nhà hai bên xây bằng đá granit.
Bà chào các bà già đang ngồi trước cửa. Thấy bà đi qua họ hỏi nhau:
“Bà ấy đi đâu mà vội vàng thế? Sao ngày thường mà ăn mặc tươm tất
vậy?” Ông Chánh văn phòng đi vắng. Một thiếu niên độ mười lăm tuổi
đang ngồi ở bàn giấy.
Khi nghe bà già xưng tên, thiếu niên kia đứng dậy, rút trong ngăn kéo
ra một thếp giấy có dán tem. Giấy có nhiều thứ: những tờ chứng chỉ, giấy
có đóng dấu, một lý lịch thủy quân nước biển làm ố! Tất cả bốc lên mùi
chết chóc.
Thiếu niên kia dàn tất cả các giấy tờ trước mặt bà lão. Lúc này bà già
bắt đầu run và mắt nhòe đi. Bà đã nhận ra trong đống giấy có hai bức thư
do Gaud viết hộ bà để gửi cho Sylvestre. Hai bức thư còn nguyên chưa bóc,