Chu Lai
SÔNG XA
Phần một
Đó là những năm tháng đen tối nhất của chiến trường miền Nam. Sau Mậu
Thân, lực lượng ta còn rất mỏng, mà hầu hết lại dồn tụ lên rừng già. Dưới
đồng bằng, trong vùng đô thị ta chỉ còn giữ được những nhóm lẻ tẻ để bám
trụ địa bàn. Nếu trước đây ngày là của nó, đêm là của ta thì thời kỳ năm 70
này, phải đau xót thừa nhận rằng cả đêm lẫn ngày, hầu như thuộc về tầm
khống chế của đối phương. Chúng khống chế, truy kích ta bằng đủ kiểu:
càn rừng, B52 rải thảm, gài biết kích trên tất cả các mối đường, đánh bung
hầu hết các kho dự trữ lương thực, tóm lại chỉ cần ngửi thấy mùi “Việt
cộng” là chúng huy động tối đa quân số, bom đạn hủy diệt cho kỳ được.
Nhưng cũng chính vì thế mà chúng bộc lộ sơ hở: ngay cạnh nách chúng vẫn
có những khoảng trống bất ngờ có thể ẩn náu hoạt động được.
Đầu mùa mưa năm ấy, cùng với hàng trăm bộ phận được xé lẻ khác, tiểu
đoàn của tôi được lệnh luồn sâu vào vùng địch, tìm bắt liên lạc với cơ sở
địa phương để triển khai chiến đấu.
Nơi chúng tôi cần có mặt là vùng ven thị xã Bình Dương và nơi chúng tôi
phải tác chiến là bất cứ điểm nào có thể gây được tiếng nổ, có thể diệt được
địch.
Người ta nói với chúng tôi rằng cái vùng đất ấy dữ dằn lắm, người khôn
ngoan tài giỏi đến đâu cũng may lắm là trụ được vài tháng, cùng lắm là nửa
năm, rồi nếu không mất xác thì cũng mụ đầu mụ óc mà tìm đường chạy dạt
về sau. Tuy vậy, cũng không đến nỗi - Họ, tức là những người vừa từ ở
trong ấy luồn lách ra, nói thêm - Nếu biết cách sống thì vẫn xoay xỏa được,
có khi lại còn rất tươm nữa là khác. Có điều cần nhớ: đàn ông trai tráng
dưới đó mỗi ngày một hiếm, nếu tới đây có gặp những người trung kiên
nhất, những người chỉ huy, những người lãnh đạo tài giỏi nhất là đàn bà thì
đừng lấy làm lạ. Phải bám thật chặt vào họ, học hỏi họ, tóm lại là phải hết
sức gắn bó với họ, như vậy sẽ làm ăn được. Đàn bà vùng sâu kỳ lắm! Họ
như cây lau, cây sậy ở mé sông, gió dập mưa vùi đến đâu cũng không gẫy