sát đất. À...Mà cái đó cũng lại là số phận rồi còn quái gì. Hở? Tít mù nó lại
vòng quanh...
Tịnh cười vang. Tiếng cười đầy sức lây lan.
- Phải chăng vì thế mà ông Tịnh dám vác hẳn một cô gái Lái Thiêu ra xứ
lạnh này làm vợ mà không sợ cô ta chê nghèo, chê khổ bỏ đi. Ông này
khôn! Nghĩ cái gì ra cái đó. Nếu không bị vết thương ở đầu năm 1970 làm
cho cụt ngẵng đường quan lộ thì lúc này ông đâu có thèm ngồi ở đây – Nhà
bình luận văn học nhận định, không giấu nổi một chút tâng bốc chân thành.
- Ở địa bàn tam giác sắt của tớ có một cô xã đội trưởng thân hình dềnh
dàng như đàn ông, vào trận cũng thét lác như đàn ông, nhưng đêm mò về
hầm lại úp mặt xuống võng khóc một mình. Dạo ấy...
- Cái hồi Mậu Thân, chính tay tớ chôn cất một cô du kích nằm chết giữa
rừng đã lâu ngày. Cũng là cái chết nhưng xác đàn ông trông đỡ hơn, còn
xác đàn bà...Thịt da vẫn trắng, tóc xõa ra vẫn đen nhánh. Tội lắm! Nhất là...
- Mình lại có kỷ niệm với một cô giao liên ở đường 14 biên giới, chẳng
hiểu tại sao thỉnh thoảng lại lăn đùng ra, sùi cả bọt mép. Một lần kia...
- Còn tớ...
- Theo mình thì...
Lại tranh nhau nói...Những đoạn hồi ức được bùng nổ bất thần, đan chéo
vào nhau, khi nặng nề, lúc dí dỏm, lúc đằm xuống thành im lặng. Chính
trong cái khoảnh khắc im lặng đa thanh đó. Tịnh đã buộc được Thắng phải
lên tiếng. Thoạt đầu Tịnh cười cười:
- Thôi chứ! Cứ cả vú lấp miệng em mãi. Cũng phải để cho thằng Thắng nó
nói một câu gì chứ. Sáng mai chúng mình nghỉ, nó lại phải lặn lội lên trên
đó rồi!
- Nhất trí nhưng – Nhà quản lý kinh tế nói - Tớ tin chắc thằng Thắng sẽ
không bao giờ nói về thế giới đó. Hận thù truyền kiếp thì có. Mang hình
ảnh cô người yêu ở nhà đi suốt các cánh rừng, khi trở về cô ta đã có con với
người khác. Đàn bà... Điểm chốt là nhà. Thôi, tha cho nó.
- Không....không đến nỗi thế đâu - Thắng đột ngột lên tiếng bác bỏ với cái
cười ngượng nghịu – Các anh chỉ hay nói quá! Tôi...thực ra tôi cũng có biết
một người phụ nữ, một người chị... Cuộc đời chị ấy... Nhưng mà dài lắm!