con rạch này đến căn cứ mấy anh còn phải qua ba cái trảng và hai con lộ,
cũng khá nguy hiểm đấy. Đi luôn hay để sáng hôm sau đi cũng được, tùy
chị. Em về nghe! Chúc cả đoàn đi đến nơi đến chốn, gặp mấy anh nói thằng
Riềng này dù chết vẫn cứ oánh giặc ngon lành.
Nó ồn ào đi bắt tay hết lượt mọi người. Bàn tay nó mạnh đến nỗi làm hai cô
gái phải nhăn quắt mặt lại. Nó đến bên thằng Đức, khẽ giở tấm mền che
mặt, áp khuôn mặt xương xẩu vào má thằng bé lúc ấy đang ngủ thiêm
thiếp. Nó nựng:
- Cưng đi nghe cưng! Mau ăn chóng lớn để cậu còn dẫn đi đánh ba thằng ác
chớ! Đi đường đừng làm khổ má nghen cưng!
Đến lúc đó, tôi mới thấy khuôn mặt ngang tàng bướng bỉnh của nó mềm đi
đôi chút. Bao giờ cũng thế, đối với má, anh chị và cháu, nó chỉ bộc lộ tình
yêu theo kiểu riêng nó, ngấm ngầm nhưng mãnh liệt. Tự dưng tôi đưa tay
xoa mớ tóc cứng queo của nó như ngày nào tôi hằng xoa tóc một thằng
Riềng thơ bé bị mẹ mắng hoài vì cái tội hay đánh lộn với đám con nít nhà
giàu trên phố.
- Chị dặn nè! Ba là liệt sĩ, dù khó khăn nguy hiểm thế nào cũng đừng nản
lòng, đừng thối chí mà tủi vong hồn ba nghe.
Nó cười, hàm răng to, trắng bóc. Cái cười tự tin của nó làm tôi thấy câu nói
của mình đâm ra lẫn cẫn. Nó còn non dại gì nữa đâu. Nó còn là đảng viên
trước cả tôi kia mà.
Nó đi rồi, cả tốp chúng tôi im lặng nhìn theo. Dù sao, với đoạn đường vài
tiếng đồng hồ vừa qua, hình ảnh nó cũng in đậm trong tình cảm mọi người.
Trăng sắp lặn. Bầu trời và cảnh vật đang mờ dần. Gió thổi mạnh và lạnh
hơn. Phía xa kia là ấp chiến lược, là đồn bốt, là ngộp thở, là ngày ngày
chém giết; một mình nó lầm lũi đi vào đó; dáng đi nghiêng nghiêng, nhòa
dần vào đêm tôi… sao thấy mỏng manh, thấy nhỏ nhoi quá! “Chị lo phần
chị… Em thì trời đánh không chết!” câu nó của nó vẳng bên tai tôi.
Không ngờ, đấy cũng là lần cuối cùng hai chị em tôi còn được nhìn thấy
nhau.
*
* *