Giọt nước mắt dễ lây, nhất lại là giọt nước mắt rơi ra từ nỗi niềm về thân
phận đàn bà.
Vừa nhác trông thấy tôi, nước mắt chị đã rưng rưng:
- Trời ơi!... Sao em lại đến nông nỗi này?
Tôi cười:
- Sống được đã là may rồi chứ đòi gì nữa, chị?
- Nhưng làm sao lại tiều tụy nhanh đến thế - Chị đưa chiếc khăn rằn lên
chấm chấm nước mắt - Tội nghiệp con nhỏ! Ăn uống thế nào? Có gì ăn
không? – Tôi gật đầu - Phải ráng ăn vào chớ. Đằng nào thì việc cũng rồi, lo
buồn thêm cũng không ích gì. Còn vợ còn chồng là còn con, ráng mà chịu
đựng.
Vừa nói chị vừa lục bồng giở ra, đặt lên võng tôi hai hộp sữa, cân đường,
mấy gói mì tôm và cả một cái đài còn mới tinh:
- Rađiô của chị đó! Em chưa có, lấy mà nghe tạm, đêm nằm ở đây buồn
chết. Ráng mau khỏi, về có chhị có em cho nó khuây.
Tôi ứa nước mắt nhìn chị. Sao những câu nói tưởng như nhàm chán, tưởng
như đãi bôi đã phải nghe hoài ấy, ở miệng chị nói ra lại mộc mạc, chân tình
đến thế? Tôi kéo chị ngồi xuống, cố đánh lảng câu chuyện mà tôi không
muốn ai nhắc đến nữa:
- Ở nhà có chuyện gì không chị?
- Bình thường - Chị lắc đầu - Cứ nghỉ ngơi cho khỏe. Chuyện ở nhà đã có
người ở nhà lo.
- Sao bảo vừ rồi căn cứ huyện ủy bị càn?
- Ờ… Ờ! Cũng có đấy. Nhưng làm sao? Can hệ gì đến cô? Chị đột nhiên
căng giọng một cách vô cớ?
Hiểu tính chị, tôi vẫn dịu dàng:
- Em nghe nói có một huyện ủy viên hy sinh? Đúng không chị?
- Ơ! Cái cô này tức cười chưa? Đã bảo hỏi in ít thôi, tôi đến thăm cô chứ có
phải đến để hội ý công việc với cô đâu?
Mang máng cảm thấy điều gì, tôi nói giọng buồn buồn:
- Anh Tám hôm rồi có tới đây. Cả anh Tám, cả chị đều muốn giấu em.
Người ta coi tôi không bằng con nít.