- Thắng có nhiều nét rất giống anh Tám - Đột nhiên chị nhận xét - Giống
cái hồi anh ấy chưa bị lủng ruột. Nhất là khi Thắng cau mày lại suy nghĩ
một cái gì đó, mắt cũng sâu, lông mày cũng rậm và cái trán cũng bướng
bỉnh. – Chị cười khẽ tự xóa đi câu nhận xét của mình – mà nói cho đúng ra,
đàn ông ở rừng ai chả giống nhau. Cực nhọc vậy làm sao mà mắt không
sâu, trán không dô ra ương bướng cho được
Thấy giọng chị vui vui, tôi hỏi luôn cái câu đã mập mờ muốn hỏi từ nãy:
- Chắc chị và anh Tám đã thành.... Anh ấy lúc này ở đâu hả chị? Trên “Rờ”
hay còn ở tỉnh. Có lẽ làm lớn lắm rồi? Có khi là bí thư tỉnh? Tôi đoán vậy
có đúng không?
- Đúng! – Nét cười trên miệng chị biến mất – anh ấy sẽ là như thế nếu còn
sống đến bây giờ.
- Anh Tám chết rồi? Chết hồi nào chị? – Tôi kinh ngạc.
- Chết ngay hồi ấy. Chết trước một ngày khi tôi và Tiến tìm đến được căn
cứ của anh.
Thì ra thế! Bây giờ tôi mới hiểu cái ngừng lại đột ngột và đôi vai nhỏ cứ
rung lên của chị. Đâu có phải chỉ vì lạnh. Tôi tự trách câu hỏi vô tâm của
mình vừa rồi. Nhưng đã muộn. Dòng hồi ức trong lòng chị đã tràn ra. Tràn
ra rất đỗi chậm rãi và điềm tĩnh.
- Anh ấy bị chỉ điểm khi vào ấp làm việc với cơ sở...
Chị dừng lại một chút, mắt chớp chớp. Tôi tưởng lúc đó chị đang hình dung
lại cái chết thảm khốc của anh, nhưng có lẽ không, trên khuôn mặt chị lại
dãn ra một nụ cười thầm lặng. Chị chuyển giọng thì thầm:
- Anh ấy có để lại cho tôi một ít dòng trong quyển nhật ký của anh. Ít dòng
thôi vì trong đó xen kẽ cả những suy nghĩ về chiến tranh, hòa bình, về cuộc
đời, thù, ta, về cái sống, cái chết, cao thượng, thấp hèn... nhiều lắm! Anh
làm cả thơ về tôi nữa. Bữa nào xong việc, nếu còn gặp, tôi sẽ đưa cho
Thắng xem. Tôi cất kín trong thùng đại liên từ ngày đó đến giờ, chưa moi
lên lần nào cả. Nhưng tôi gần như thuộc lòng từng chữ. Đại khái anh ấy
viết rằng anh bị “chấn động” trước tôi ngay từ khi gặp tôi lần đầu. Sau đó
mỗi lần gặp là một lần anh thấy khổ sở, không còn biết mình nên thế nào
nữa. Anh nói anh định sống độc thân, hiến toàn bộ trí lực và cuộc đời cho