* * *
Đợt tấn công đầu tiên của quân Đức bắt đầu vào lúc 4 giờ 45 theo giờ
Đức, tức là 6 giờ 45 theo giờ Nga. (Hitler vẫn bắt quân đội Đức ở Nga hoạt
động theo thời gian ở bản doanh Wolfsschanze ở Đông Phổ). Ở cánh trái của
Quân đoàn bộ binh số 51, Sư đoàn bộ binh số 295 nhắm tới đồi Mamaev,
còn bên cánh phải, các sư đoàn bộ binh số 76 và số 71 tấn công theo hướng
nhà ga chính và bến tàu trung tâm trên sông Volga. Các sĩ quan Sư đoàn số
295 còn tiếp lửa cho lính của mình bằng cách thách họ một hơi đến thẳng
sông Volga.
Trận dội pháo và ném bom vào trận địa Nga hôm trước đã rất dữ dội. “Cả
bầy Stuka trên đầu chúng tôi”, một hạ sĩ trong Sư đoàn bộ binh số 389 viết,
“và sau trận công kích, không ai tin ở đó thậm chí có còn con chuột nào
sống sót”. Trận bom còn tiếp tục suốt ngày 13 tháng 9. Từ vị trí chỉ huy của
mình trên đồi Mamaev, Chuikov quan sát bằng kính tiềm vọng kép. Một
màn bụi gạch vữa biến bầu trời ngả sang màu nâu nhạt. Mặt đất liên tục rung
lên vì đạn nổ. Bên trong hầm, đất mịn chảy xuống như trong đồng hồ cát,
qua khe giữa các súc gỗ lát trần, phủ đẩy lên người các sĩ quan tham mưu và
lính thông tin. Bom đạn còn cắt đứt đường điện thoại dã chiến. Lính đường
dây được cử đi tìm chỗ đứt để nối có rất ít cơ hội ở giữa nơi trống trải. Dây
dứt liên tục đến nỗi cả các cô gái thông tin cũng phải liều mạng ra ngoài.
Suốt ngày hôm đó Chuikov chỉ liên lạc được với Yeremenko ở phía sau
đúng một lần, đến chiều muộn thì ông hoàn toàn mất liên lạc với các sư
đoàn của mình ở bờ tây. Ông buộc phải cử người đi liên lạc, đi qua thành
phố đầy bom rơi đạn nổ thì tính mạng họ còn mong manh hơn cả lính thông
tin đường dây nữa.
Dù ở rìa phía tây thành phố quân Đức đã có chút thành công, chiếm được
một sân bay nhỏ với vài dẫy doanh trại, song các nỗ lực san bằng vùng lồi
phía bắc lại bất thành. Trận đánh quyết liệt hơn họ tưởng. Nhiều người đã
ngầm hiểu ra rằng có thể họ sẽ phải trải qua mùa đông ở Stalingrad này.