khói bụi, liên lạc với nhau bằng cách hét to với cổ họng khản đặc. Khi quân
Đức tiến vào, họ chỉ nghe tiếng động mà bắn chứ không biết ngắm vào đâu.
Đêm hôm đó, chỉ với một nắm đạn còn lại, những người sống sót đột phá
xông ra. Thương binh phải bỏ lại. Dù trận đánh ác liệt nhưng khó mà gọi
đây là chiến thắng vang dội cho quân Đức, tuy thế Paulus vẫn chọn cái tháp
chứa thóc đồ sộ này làm biểu tượng của Stalingrad trên băng đeo tay mà ông
đã thiết kế ở sở chỉ huy để mừng chiến thắng.
Những trận phòng thủ ngoan cường tương tự ở các tòa nhà bán kiên cố tại
trung tâm thành phố trong những ngày này đã bắt quân Đức trả giá đắt. Các
“đội đồn trú” của những người lính Hồng quân từ các sư đoàn khác nhau đã
kiên gan bám trụ cũng phải chịu đựng đói khát. Một trận đánh khốc liệt
giành giật cửa hàng bách hóa Univermag trên Quảng trường Đỏ, nơi được
chọn làm sở chỉ huy của Tiểu đoàn số 1 thuộc Trung đoàn súng trường cận
vệ số 42. Một nhà kho nhỏ được gọi là “nhà máy đinh” cũng là một chốt cố
thủ nữa. Và trong một ngôi nhà ba tầng cách đó không xa, lính cận vệ đã
chiến đấu suốt năm ngày trời, lỗ mũi và cổ họng của họ nghẹt bụi gạch vữa
từ các bức tường bị đập nát. Thương binh của họ chết trong hầm không được
chăm sóc vì cô y tá trẻ đã hy sinh do một vết thương ở ngực. Sáu người
trong số quân ban đầu gần nửa tiểu đoàn đã thoát đi vào phút cuối cùng khi
xe tăng Đức húc sập tường.
Trong số những thành công của quân Đức ở trung tâm thành phố thì
nghiêm trọng nhất đối với Hồng quân là quân Đức đã tiến đến bến đổ bộ
trung tâm. Nó cho phép họ đánh vào các điểm đổ bộ chính ban đêm bằng
pháo, dàn pháo phản lực Nebelwerfer và súng máy, bắn dưới đèn dù ma-giê.
Họ quyết tâm chặn đường tiếp viện người và hậu cần cho bên phòng thủ.
Nhà ga chính đã đổi chủ tới 15 lần trong năm ngày, cuối cùng quân Đức
đã chiếm được đống đổ nát. Nhất trí với phương châm của Chuikov,
Rodimtsev ra lệnh tuyến trước của mình luôn cách quân Đức trong vòng 50
m để gây khó khăn cho pháo binh và không quân địch. Lính trong sư đoàn
của ông rất hãnh diện về tài thiện xạ của mình. “Lính cận vệ ai cũng là thiện
xạ cả” thế nên “buộc bọn Đức phải bò chứ không đi được”.