Với sự nhất quán vốn có, quân Đức tiếp tục các nỗ lực đập tan sự kháng
cự ở góc phía nam này của thành phố. Hai ngày sau họ đã chọc thủng, gây
rối loạn cho hai lữ đoàn dân quân rõ ràng đang thiếu lương thực và đạn
dược. Tuy vậy, sự đổ vỡ lại bắt đầu từ bên trên, khi sở chỉ huy Phương diện
quân Stalingrad báo cáo cho Shcherbakov ở Moskva. Chỉ huy Lữ đoàn đặc
biệt số 42, “bỏ phòng tuyến, vờ đi xin ý kiến của tập đoàn quân”. Lữ đoàn
đặc biệt số 92 cũng thế, mặc dù đã được lính thủy đánh bộ chi viện. Ngày 26
tháng 9, chi huy trưởng và Chính ủy cùng với Ban Tham mưu của mình, bỏ
mặc lính, cũng “giả vờ lên bàn bạc tình hình với chỉ huy cấp trên”, nhưng
thực ra họ chạy trốn đến cù lao lớn Golodny giữa sông Volga. Sáng hôm sau,
“khi binh sĩ biết chỉ huy của họ đã bỏ chạy, phần lớn chạy vội ra bờ sông
Volga chuẩn bị bè mảng cho mình”. Một số bám thân cây hay mảnh gỗ trôi
nổi bơi sang cù lao Golodny, có người bơi vo. Địch nhận thấy họ cuống quít
bỏ chạy nên dùng súng cối và pháo bắn chết nhiều người dưới sông.
“Khi thiếu tá Yakovlev, chỉ huy tiểu đoàn súng máy, lúc này là chỉ huy
cao cấp nhất của lữ đoàn còn lại trên bờ tây, biết tin lữ trưởng bỏ chạy gây
hoảng loạn trong binh sĩ, bèn nắm quyền chỉ huy phòng thủ”. Ông nhanh
chóng nhận ra mình không có gì để liên lạc vì lính thông tin cũng bỏ chạy ra
cù lao rồi. Với sự giúp sức của Trung úy Solutsev, Yakovlev tập hợp bộ đội
còn lại, lập tuyến phòng thủ, mặc dù thiếu người và đạn dược, họ đã chặn
đứng được 7 cuộc tấn công trong vòng 24 giờ. Suốt thời gian đó chỉ huy lữ
đoàn vẫn ở bên cù lao. Thậm chí ông ta còn không cố gắng gửi thêm đạn
cho những người đang tiếp tục chiến đấu. Nhằm giấu nhẹm mọi chuyện, ông
ta gửi báo cáo bịa đặt về trận đánh cho Sở Chỉ huy Tập đoàn quân số 62.
Nhưng việc đó không giúp gì cho ông ta. Ban Tham mưu của Chuikov cảm
thấy đáng ngờ. Ông ta đã bị bắt và bị buộc tội “Có ý đồ tội ác chống mệnh
lệnh số 227”. Mặc dù không nhắc đến chi tiết trong báo cáo gửi Moskva về
hình phạt do tòa án NKVD tuyên, nhưng cũng không khó đoán ra.