Cuộc chiến bên trong Stalingrad cũng không khác mấy. Đó là một kiểu
tác chiến mới, tập trung vào các đống đổ nát của cuộc sống dân sự. Những
thứ thải lại của chiến tranh — xe tăng cháy, thùng đạn, dây nhợ thông tin và
hòm lựu đạn - trộn lẫn những thứ đổ vỡ của đời thường — khung giường
sắt, đèn và đồ gia dụng. Vasily Grossman đã viết về “cuộc chiến ở những
đống gạch vụn, những căn phòng sập dở và những dãy hành lang” của các
khối nhà, nơi có thể còn sót một bình hoa khô quắt hoặc bài tập về nhà của
một cậu bé còn để mở trên bàn. Từ vị trí quan sát bên trên những tòa nhà
sập, người hiệu chỉnh bắn pháo ngồi ghế nhà bếp, cầm ống nhòm quan sát
các mục tiêu qua các lỗ đạn trên tường.
Lính bộ binh Đức ghét kiểu đánh từ nhà này qua nhà kia. Họ cho lối cận
chiến như vậy là phá vỡ ranh giới và khuôn khổ chiến tranh quy ước, làm
mất định hướng tâm lý. Trong đợt giao tranh cuối cùng của tháng 9, cả hai
bên đều tranh giành một nhà kho lớn bằng gạch trên bờ Volga, đoạn gần cửa
sông Tsaritsa, có bốn tầng bên phía sông và ba tầng phía bờ. Đã có lúc nó
“giống một cái bánh nhiều tầng” với quân Đức trên đỉnh, quân Nga bên dưới
và thêm nhiều quân Đức ở dưới nữa. Thường thì chẳng nhận ra đâu là địch
vì quân phục ai cũng chỉ một màu bụi xám xịt.
Các tướng Đức xem ra không hình dung được những gì đang chờ các sư
đoàn của họ trong thành phố đổ nát. Họ đã để mất lợi thế rất lớn của
Blitzkrieg và trên nhiều phương diện đã bị đưa trở lại với cách đánh của Thế
chiến I, mặc dù các lý thuyết gia quân sự của họ đã cho rằng lối đánh chiến
hào là “một nhầm lẫn của nghệ thuật chiến tranh”. Chẳng hạn như Tập đoàn
quân số 6 nhận thấy mình buộc phải đáp trả chiến thuật của lực lượng Soviet
bằng cách dùng lại kiểu “đánh lấn” có từ tháng 1 năm 1918: các nhóm tấn
công 10 người, dùng súng máy, súng cối hạng nhẹ và súng phun lửa quét
sạch các lô cốt, hầm ngầm và cống rãnh.
Theo cách đó, cuộc chiến ở Stalingrad còn đáng sợ hơn hẳn kiểu tàn sát ở
Verdun. Kiểu cận chiến trong những tòa nhà đổ, các boong ke, hầm ngầm và
đường cống nhanh chóng được lính Đức gán cho cái tên Rattenkrieg (Chiến
tranh Chuột chũi). Kiểu quần thảo man rợ đó khiến các tướng phát khiếp,