đầu lên để khỏi bị trộm mất). Các nhóm chiến đấu được cử xuống cống thi
trang bị thêm súng phun lửa, còn công binh thì mang theo thuốc nổ. Sáu lính
công binh từ sư đoàn cận vệ của Rodimtsev thậm chí đã tìm được một lối
thông lên một cứ điểm của Đức và cho nó nổ tung bằng tạ rưỡi thuốc nổ.
Thêm một chiến thuật chung được đúc kết trên cơ sở hiểu rõ quân Đức
thiếu nguồn nhân lực bổ sung. Chuikov ra lệnh tập trung vào tấn công ban
đêm, chủ yếu vì lý do thực tế là lúc đó không quân Đức không thể phản
kích, nhưng một phần còn vì ông tin rằng quân Đức rất ngại lúc tối trời và vì
vậy dễ mất tinh thần. Lính bộ binh Đức rất sợ những tay súng Sibir thuộc Sư
đoàn súng trường số 284 của Đại tá Batyuk, được coi là những thợ săn bẩm
sinh, có thể săn bất cứ con mồi nào. “Giá mà bạn hiểu cái nỗi khủng khiếp
đó”, một lính Đức viết trong một bức thư bị quân Nga thu được. “Chỉ cần
nghe sột soạt nhẹ là tôi liền kéo cò súng máy bắn một loạt đạn vạch đường”.
Đêm nào cũng thấp thỏm bắn bất cứ thứ gì chuyển động, mà lính gác anh
nào cũng căng thẳng như nhau thành ra cả khu cứ bắn loạn xạ, vì vậy mà
lượng đạn quân Đức tiêu thụ tăng vọt đến hơn 25 triệu viên chỉ riêng trong
tháng 9. Quân Nga còn duy trì sự căng thẳng bằng cách chốc chốc lại bắn
pháo sáng lên trời làm như sắp sửa tấn công. Không quân Nga, một phần để
tránh Messerschmitt ban ngày nên liên tục không kích trận địa Đức vào ban
đêm. Đó cũng là một cách gây căng thẳng làm suy sụp tinh thần lính Đức.
Người Nga đã sử dụng cả máy bay hai động cơ ném bom đêm, vốn thu
hút hỏa lực mọi khẩu đội phòng không Đức trên mặt trận, cùng một lượng
lớn các máy bay hai tầng cánh U-2 linh hoạt, thả những quả bom nhỏ trong
các trận tập kích ban đêm. “Bọn Nga cứ lượn vè vè trên đầu cả đêm”, một hạ
sĩ công binh viết về nhà. Tệ nhất là tiếng kêu quái gở của nó cứ thay đổi. Ở
xa, tiếng U-2 nghe đúng như biệt danh của nó là “máy khâu”. Rồi khi đến
gần mục tiêu, nó tắt máy, lượn như chim đêm săn mồi. Âm thanh duy nhất
nó phát ra là tiếng gió rít qua các thanh giằng cho tới khi bom rơi. Mặc dù
lượng bom tổng cộng chỉ 400 kg, nhưng tác động tâm lý là rất lớn. “Chúng
tôi bài hoải nằm chờ chúng đến”, một người lính khác viết. U-2 có nhiều
biệt danh hơn bất kỳ thứ máy móc hay vũ khí nào ở Stalingrad. Các tên khác
gồm “hạ sĩ trực ban” vì kiểu nó xuất hiện bất ngờ không báo trước, “oanh