trong Chiến dịch Ngọn Đuốc. Ribbentrop nhân cơ hội đề nghị tiếp xúc với
Stalin thông qua sứ quán Soviet ở Stockholm. “Hitler gạt phắt”, tùy tùng
không quân của ông kể lại. “Ông nói đang yếu thế không phải lúc thích hợp
để đàm phán với kẻ thù”. Lời khoác lác ngu ngốc về Stalingrad sau lần từ
chối đó không đơn thuần là con tin của số phận, cái đó gọi là há miệng mắc
quai, sẽ đưa ông tới thảm họa. Kẻ mị dân chính trị trói tay người cầm quân.
Những lo sợ tồi tệ nhất của Ribbentrop trong đêm trước Chiến dịch
Barbarossa đã sắp được khẳng định.
* * *
Ở Stalingrad tiết đông thực sự đến vào hôm sau, nhiệt độ tụt xuống âm
18°C. Sông Volga vì kích thước của nó nên là một trong những con sông
nước Nga đóng băng cuối cùng, thuyền bè bắt đầu không đi lại được.
“Những tảng băng va nhau vỡ ra, nghiến sát vào nhau”, Grossman ghi lại,
“tiếng lạo xạo như cát trôi có thể nghe được từ khá xa bờ sông”. Đó là thứ
âm thanh rùng rợn đối với những người lính trong thành phố.
Đó là thời điểm Chuikov rất lo, ông gọi đó là cuộc chiến trên hai mặt trận:
Sông Volga thù địch sau lưng, còn quân thù thì đang tấn công những dải đất
hẹp còn lại từ phía trước. Sở Chỉ huy Tập đoàn quân Số 6 biết rõ những khó
khăn quân Nga đang phải đối mặt nên lại tập trung hỏa lực vào các bến vượt
sông. Một tàu hơi nước của giang đoàn Volga đang chuyển pháo và đạn qua
sông bị trúng đạn và mắc cạn trên đáy cát. Một tàu khác đến ngang nó và
chuyển tất cả hàng dưới mưa đạn. Các thủy thủ làm việc trong làn nước lạnh
giá xem ra cũng sẽ chết như những công binh Pháp ghép cầu phao qua sông
Berezina hơn một thế kỷ trước thôi.
“Những mũi xà lan tù to bè chậm chạp nghiến vỡ khoảng trắng bên dưới,
còn phía sau chúng những dải nước đen cũng sẽ sớm bị phủ lên một màng
băng”. Những con tàu răng rắc dưới sức ép của băng, cáp kéo đứt tung vì
quá căng. Việc vượt sông mà trông “giống như thám hiểm Bắc Cực”.