Vài xe tăng Soviet bốc cháy nhưng sự táo bạo của Filipov đã được đền
đáp. Phân đội gác cầu bị quét sạch, có thừa T-34 để đánh bật mọi mưu toan
muộn mằn cho nổ cầu. Bộ binh cơ giới Soviet xuất hiện ở các cao điểm trên
bờ sông Đông, rồi một tốp tăng nữa đến. Thêm hai đợt tấn công nữa có pháo
binh và súng cối bắn hỗ trợ từ các điểm cao bên kia sông. Đến giữa buổi
sáng, bộ binh Soviet tràn vào thị trấn. Đường phố nhốn nháo, đầy nhóc lính
Romania lạc đơn vị. Không lâu sau, mấy khẩu súng hạng nặng do tiểu đoàn
tạp nham điều khiển hết đạn hoặc không dùng được nữa, tuy thế cánh tài xế
và thợ máy cũng không bị thương vong nhiều. Cho nổ nhà xưởng xong, họ
rút khỏi thị trấn, lên xe tải chạy về tìm sư đoàn của mình ở Stalingrad.
Đường đã thông để hai quân đoàn tăng số 4 và số 26 từ cánh bắc xuống và
Quân đoàn cơ giới số 4 của Volsky từ phía nam Stalingrad lên hội quân vào
hôm sau.
Hướng dẫn nhau bằng pháo hiệu xanh bắn theo gián cách lên trời, các mũi
nhọn Nga gặp nhau ngay trên thảo nguyên trống trải gần Sovietsky với
những cái ôm của gấu, một cảnh tượng sau này sẽ được diễn lại để quay
phim tuyên truyền. Màn ăn mừng bằng vodka và xúc xích giữa các tổ lái
tăng lúc đó không được quay phim nhưng chân thật hơn nhiều.
* * *
Tin tức lan nhanh trong quân Đức với câu “Ta đã bị vây!” Chủ nhật 22
tháng 11 đó với người theo Tin Lành là ngày tưởng nhớ người đã khuất.
“Một ngày lễ Totensonntag ảm đạm năm 1942”
, Kurt Reuber, một mục
sư đang theo Sư đoàn tăng số 16 với chức trách bác sĩ, viết, “lo lắng, sợ hãi
và kinh hoàng”. Tuy thế, nhiều người nghe qua cũng không quan tâm lắm.
Mùa đông năm ngoái cũng bị vây, rồi phá vây, song những sĩ quan thông
thạo tin tức hơn, nghĩ sâu một chút đã bắt đầu nhận ra rằng lần này không có
lực lượng dự bị nào nhanh chân cứu họ được. “Chúng tôi đã hiểu rõ hơn mối
nguy nào đang chờ đợi mình”, Freytag-Loringhoven nhớ lại, “bị cô lập quá
sâu giữa nước Nga ở giáp ranh châu Á”.