Khoảng 65 km về phía tây, ổ đề kháng Romania cuối cùng đang đi đến
kết thúc dù sáng sớm hôm đó Tướng Lascar đã bác bỏ yêu cầu đầu hàng của
Hồng quân. “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu, quyết không đầu hàng”, ông
tuyên bố, song lính của ông, tuy kháng cự dũng cảm nhưng lại không được
tiếp tế và đã cạn đạn dược.
* * *
Việc quân Soviet vượt qua Kalach lập tức đẩy Quân đoàn số 11 ở phía bắc
vào tình thế hiểm nghèo. Nó đã phải chống trả cuộc tấn công gần như từ ba
phía trong tâm trạng mông lung hỗn loạn với những lời đồn đại. Sự bối rối
đó được bộc lộ trong những đoạn nhật ký lấy từ xác một sĩ quan pháo binh
Đức:
“20/11 ... cuộc tấn công bao giờ mới dừng??!! Chuyển trận địa lên phía bắc. Chúng tôi chỉ
còn một khẩu pháo. Những khẩu khác không hoạt động nữa.
Thứ Bảy 21/11. Tăng địch vào sớm... di chuyển vị trí về phía sau. Quân Nga đã gần lắm rồi.
Bộ binh của chúng tôi (lính mô tô và công binh) đã được gọi về để bảo vệ gần. Hôm nay có
thêm nhiều quân Romania chạy qua không dừng lại. Chúng tôi đang rút ra. Đang phải chịu sức
ép quân Nga từ hai phía. Trận địa mới. Chỉ trụ lại được một lúc rồi lại phải di chuyển vị trí về
phía sau. Làm boong ke.
Chủ nhật 22/11. Báo động lúc 3 giờ 30 sáng. Lệnh đánh bộ binh! Quân Nga dang đến gần.
Quân Romania rút chạy. Mình chúng tôi không thể giữ nổi vị trí này. Chúng tôi lo lắng chờ
lệnh di chuyển tiếp”.
Trong lúc rút lui, các sư đoàn bộ binh Đức thấy mình phải trần lưng đánh
trả kỵ binh “cứ như vào năm 1870”, như một sĩ quan nhận xét. Vấn đề lớn
nhất của họ là vận tải, chủ yếu vì thiếu ngựa. Trong vài trường hợp giải pháp
đưa ra thật man rợ. Một hạ sĩ quan tóm lấy các tù binh Nga đói dở từ trại tù
để thay súc vật kéo. “Khi cuộc rút lui bắt đầu vào ngày 20 tháng 11”, một tù
binh Nga kể, “chúng tôi bị đóng vào xe thay ngựa kéo những chiếc xe chở