sớm đóng băng cứng và địch có thể dễ dàng vượt sông. Trong đêm đó, bộ
binh Soviet đã có thể vượt sông Đông ở gần Peskovatka. Ngay từ sáng sớm,
bệnh nhân trong bệnh viện dã chiến đã nghe thấy tiếng súng cối và đại liên.
“Ai nấy chạy như gà mất đầu”, viên hạ sĩ quan bị vàng da từ xưởng sửa chữa
đã may mắn sống sót qua đêm sau khi không tìm được chỗ nào cho mình trú
tạm, kể lại. “Ngoài đường có cả hàng dãy xe, chiếc nọ nối đuôi chiếc kia,
trong khi đạn cối cứ rót xuống xung quanh. Đây đó có những chiếc trúng
đạn bốc cháy. Những người bị thương nặng không thể chuyển đi được vì
thiếu xe. Một đại đội được lập vội từ lính của các đơn vị khác nhau đã cố
đẩy lùi được quân Nga trước khi họ đến được bệnh viện”.
Tối hôm đó, sĩ quan trong sở chỉ huy Quân đoàn tăng số 14 nhận được
lệnh tiêu hủy “toàn bộ các loại trang thiết bị, hồ sơ và xe cộ nào không thật
cần thiết”. Họ phải rút qua sông Đông quay lại Stalingrad. Đến hôm sau, 26
tháng 11, Sư đoàn tăng số 16 và một phần Sư đoàn bộ binh số 44 ở trong số
các đơn vị cuối cùng của Tập đoàn quân số 6 rời bờ tây sông Đông. Đêm đó
họ vượt qua cầu ở Luchinsky sang phía bờ Stalingrad. Đối với Sư đoàn tăng
số 16, đó “chính là cây cầu mà chúng tôi đã vượt qua 12 tuần trước ngay
trước trận tấn công đầu tiên của chúng tôi vào thành phố bên dòng Volga”.
Một đại đội bộ binh cơ giới thuộc Trung đoàn bộ binh cơ giới số 64 hộ
tống cuộc rút lui dưới sự chỉ huy của Trung úy Hauptmann von Mutius.
Nhiệm vụ của họ là bảo vệ cây cầu, cho phép những người lạc đơn vị đi qua
cho đến 3 giờ rưỡi sáng, lúc đó sẽ cho nổ cây cầu dài 300 m bắc qua sông
Đông. Vào lúc 10 giờ 03 phút, viên trung úy tuổi trẻ máu hăng Mutius đã
thú nhận với viên Thượng sĩ Wallrawe rằng anh ta “rất tự hào” được là “sĩ
quan cuối cùng của Wehrmacht đi qua cầu này”. Wallrawe không nói gì. Hai
mươi phút sau, khi đội bộ binh cơ giới đã rút hết sang bờ đông sông Đông,
lính công binh cho nổ cầu. Tập đoàn quân số 6 giờ đây đã bị bó giò giữa hai
con sông Đông và Volga.
* * *