một kế hoạch tổng thể đã được trên phê duyệt. Cả ông lẫn Schmidt có vẻ
như đều không nhận ra rằng tốc độ là yếu tố quyết định ở đây. Họ đã hoàn
toàn không chuẩn bị lực lượng cơ động mạnh để gửi gắm vào đó toàn bộ hy
vọng đánh tan vòng vây trước khi nó đã yên vị. Giờ thì họ lại không thấy
được rằng một khi Hồng quân đã củng cố xong trận địa thì mọi yếu tố, nhất
là thời tiết, sẽ càng ngày càng chống lại họ.
Phần lớn thời gian đã bị uổng phí trong quá trình điều các trung đoàn tăng
về phía sau qua sông Đông. Buổi sáng hôm xác nhận mất Kalach, đáng lẽ họ
phải bảo Quân đoàn số 11 của Strecker và Quân đoàn tăng số 14 của Hube
chuẩn bị quay lại bờ đông để nhập vào phần còn lại của Tập đoàn quân số 6.
Cuối buổi sáng, Schmidt đã ra các mệnh lệnh thích hợp cho Tướng Hube và
cho Đại tá Groscurth, Tham mưu trưởng của Strecker.
* * *
Vào 2 giờ chiều hôm đó, Paulus và Schmidt bay trở lại sở chỉ huy mới ở
Gumrak, bên trong Kessel. Paulus mang theo cả lô đồ tiếp tế là rượu vang đỏ
thượng hạng và champagne Veuve-Cliquot — phải đi gấp mà còn mang thứ
đó kể cũng lạ. Khi đến sở chỉ huy mới của Tập đoàn quân số 6 bên cạnh nhà
ga Gumrak, ông bắt đầu liên lạc với các tư lệnh quân đoàn. Ông muốn họ
đưa ra quan điểm của mình về mệnh lệnh của quốc trưởng, nhắc lại rằng
ngay tối hôm đó phải lập đội hình phòng thủ “con nhím” và chờ lệnh mới.
“Họ đều có chung quan điểm với chúng tôi”, sau này Schmidt viết, “rằng
cần có một cuộc đột vây về phía nam”. Nói ra nhiều nhất là Tướng Seydlitz,
người mà sở chỉ huy chỉ cách đó có vài trăm mét.
Bức điện của Paulus lúc 7 giờ tối đã vẽ ra một bức tranh u ám. “Tập đoàn
quân đã bị vây” là câu đầu tiên, mặc dù vòng vây vẫn chưa khép hẳn. Đó là
một bức điện vừa yếu vừa lủng củng, không đúng thể thức. Quan trọng hơn
cả, Paulus không đề ra được một phương hướng hành động vững vàng. Ông
yêu cầu “tự do hành động nếu thấy không thể tạo được thế phòng thủ vòng
tròn ở cánh nam”.