STALINGRAD - TRẬN CHIẾN ĐỊNH MỆNH - Trang 289

Zeitzler đã rất tự tin tối hôm trước rằng Hitler đã tỉnh táo trở lại. Giờ thì

Fuhrer đã cho thấy một cách rõ ràng rằng ý kiến của tất cả các tướng chịu
trách nhiệm đối với chiến dịch Stalingrad hoàn toàn không được tính đến.
Cảm giác của họ được Richthofen khái quát lại trong nhật ký của mình rằng
họ bất quá chỉ hơn “các hạ sĩ quan được trả lương cao” một chút. Quan niệm
của Hitler về sức mạnh ý chí đã hoàn toàn đoạn tuyệt với logic quân sự. Ông
cứ khư khư bám lấy ý nghĩ rằng một khi Tập đoàn quân số 6 rút khỏi
Stalingrad thì Wehrmacht không bao giờ còn có thể quay lại nữa. Ông cảm
nhận đây đang là đỉnh điểm của Đế chế thứ Ba. Vả lại, như vậy cũng hợp
với một kẻ mắc chứng vĩ cuồng, lòng kiêu hãnh cá nhân của ông đã bị đặt
lên đĩa vì mới chỉ cách đây hai tuần, trong bài phát biểu của mình trong quán
bia ở Munich ông đã khoác lác về thành phố của Stalin.

Tổng hợp những điều kiện như vậy có lẽ đã làm nảy sinh những khoảnh

khắc trớ trêu cay đắng. Ngay trước khi quyết định của Fuhrer được ban bố,
Tướng Seydlitz, Tư lệnh Quân đoàn tăng số 51 ở Stalingrad đã quyết định ra
tay trước. Ông cho rằng “không thể hiểu được” một tập đoàn quân với 22 sư
đoàn lại “phải chịu phòng thủ vòng tròn để tự đánh mất tất cả tự do vận
động đủa mình”. Ông chuẩn bị một bản kiến nghị dài về vấn đề này gửi lên
Sở Chỉ huy Tập đoàn quân số 6. “Những cuộc tấn công nhỏ lẻ trong mấy
ngày vừa rồi đã xài hết dự trữ đạn dược của chúng ta”. Tình hình tiếp tế
mang tính chất quyết định. Bổn phận của họ là bỏ qua cái mệnh lệnh thảm
họa kia để mà chiến đấu.

Buổi tối 23 tháng 11, Seydlitz lệnh cho Sư đoàn bộ binh cơ giới số 60 và

Sư đoàn bộ binh số 94 đốt kho tàng và cho nổ trận địa, sau đó rút khỏi vị trí
của mình ở phía bắc Stalingrad. “Hàng ngàn đống lửa đốt vội”, trưởng ban
quân nhu của Sư đoàn bộ binh số 94 viết, “chúng tôi đốt áo choàng, quân
phục, ủng, tài liệu, bản đồ, máy chữ và cả lương thực. Ông tướng tự tay
mình đốt các thứ của ông”. Những tiếng nổ và đám lửa đã đánh động Hồng
quân, họ bắt gặp một sư đoàn đã suy yếu ngay giữa nơi trống trải khi nó rút
từ Spartakovka và gây cho nó tổn thất lên đến gần 1.000 người. Đơn vị bên
cạnh, Sư đoàn bộ binh số 389 ở nhà máy chế tạo máy kéo Stalingrad trong
lúc rối loạn cũng bị vạ lây.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.