vận rủi là Kurt Reuber. Ông quay lại đơn vị chỉ hai ngày trước khi vòng vây
khép lại. Tới đây sẽ rất khó biết dịch vụ của ai cần hơn, của thầy thuốc hay
của thầy tu.
* * *
Quân Đức bị vây cứ nghĩ lính Hồng quân bên kia chẳng thiếu gì, cả lương
ăn lẫn quần áo ấm, nhưng thường là không phải vậy. “Do giao thông trắc trở,
lương thực không kịp đưa ra mặt trận cho binh sĩ”, một báo cáo của Phương
diện quân sông Đông cho biết. “Việc chỉ huy và Chính ủy không sử dụng tốt
hầm hố để giữ ấm cho bộ đội”, một báo cáo khác viết, “đã dẫn đến hậu quả
nhiều người phải đi viện vì cóng giá, nhiều nhất là cước chân”.
Lính Soviet được trang bị tốt nhất là lính bắn tỉa. Họ ít khi bị từ chối thứ
gì. Trên thảo nguyên tuyết phủ, trong trang phục trắng họ hoạt động từng
cặp, một người trang bị ống nhòm còn người kia thì súng trường bắn xa.
Đêm đêm họ bò tới trước đến khu phân tuyến, đào hố xuống tuyết, nấp dưới
đó để quan sát và bắn. Tỷ lệ thương vong của họ cao hơn trong thành phố
nhiều vì họ có ít lựa chọn chỗ nấp và đường rút hơn. Song “phong trào bắn
tỉa” vẫn thu hút được nhiều người tình nguyện hơn số người có thể huấn
luyện hoặc sử dụng.
Để giữ bí mật, những ai không liên quan trực tiếp đến Chiến dịch Sao
Thiên Vương chỉ được biết về nó năm ngày sau khi bắt đầu. Nhìn qua thì
điều lạ nhất trong lúc chiến thắng này là một số lính Hồng quân vẫn bỏ ngũ
chạy sang phía quân Đức đang bị bao vây, tức là tự mình đút đầu vào rọ,
nhưng chuyện ngược đời này xem ra có thể giải thích được là do bí mật
được tuyệt đối giữ kín và binh lính không hay biết gì. Đại tá Sergei
Tulpanov, một sĩ quan NKVD tinh tế phụ trách việc tuyển mộ sĩ quan Đức,
đã hoàn toàn cởi mở thừa nhận với một trong các tù binh sáng giá của mình
là phi công chiến đấu bá tước Heinrich von Einsiedl rằng: “Các lính Nga đó
hết sức ngạc nhiên khi nghe lính Đức nói lại đúng như bộ máy tuyên truyền
bên mình nói. Họ đã không tin rằng quân Đức lại bị bao vây”.