Đặc biệt, còn gọi là Cheka
. Trên đường về, say ngất ngư, Chuikov bị lọt
xuống một cái lỗ trên băng và được kéo lên khỏi nước lạnh giá. Tư lệnh Tập
đoàn quân số 62 suýt nữa đã ra đi một cách lãng nhách.
* * *
Trong khi lính Nga mừng đón giá lạnh thì các bác sĩ trong tập đoàn quân
của Paulus lại phát khiếp với nó vì nhiều lý do. Sức để kháng của các bệnh
nhân, dù ốm hay bị thương cũng đều giảm sút. Vết thương hở mà đóng giá
là nguy. Mặt đất đóng cứng khi đạn pháo, rocket Katyusha và đạn cối nổ
dường như là nguyên do duy nhất gây nên hiện tượng tăng đột biến các ca
với vết thương ở vùng bụng. Và từ giữa tháng 12 trở đi “các ca cóng giá
nặng tăng không ngừng”. Chân không chỉ sưng và thâm tím — là cấp độ chỉ
bôi mỡ, băng vào rồi về đơn vị tiếp tục chiến đấu — mà còn chuyển màu
đen và nhiều khả năng hoại tử, thường phải cắt bỏ cho nhanh.
Ngay từ tuần thứ hai của tháng 12, các bác sĩ đã bắt đầu nhận thấy một
hiện tượng đáng ngại. Ngày càng nhiều binh lính đột tử “không hề bị thương
hay bị bệnh gì đã biết”. Suất ăn quả thực có giảm nhiều nhưng theo các bác
sĩ như vậy còn lâu mới chết đói được. “Nguyên nhân nghi ngờ”, một nhà
bệnh học được giao tìm hiểu đã viết, “gồm tác động của thời tiết, “kiệt lực”
[không ai trong số gần 600 bác sĩ trong Kessel lại liều mạng nhắc tới chết
đói] và trên hết là một chứng bệnh đến nay chưa biết”.
Ngày 15 tháng 12, bác sĩ Hans Girgensohn, nhà bệnh học của Tập đoàn
quân số 6 lúc đó đang làm việc tại bệnh viện gần sân bay Tatsinskaya, được
lệnh bay vào Kessel ngày hôm sau. “Rủi quá, chúng tôi không có dù cho
ông”, viên phi công bảo khi ông đến trình diện sáng sớm hôm sau, nhưng rồi
họ buộc phải quay lại. Cuối cùng, mãi đến ngày 17 tháng 12, họ mới vào
được Kessel. Phi công bảo đang bay trên Pitomnik, thế là Girgensohn nhòm
qua cửa sổ, thấy “một dải đất nâu lỗ chỗ hố bom đạn trên một tấm chăn
tuyết trắng”.