Quân Nga trong vùng được lệnh ngừng bắn từ chập tối. Rồi cả đêm dàn
loa của Hồng quân phát đi thông điệp do nhóm chống phát xít của Ulbrich
chuẩn bị, thông báo cho quân Đức sẵn sàng chờ phái viên ngừng bắn. Đến
rạng sáng hôm sau, 8 tháng 1, tiếng súng đã ngừng. Smyslov và Dyatlenko
được giao cho một hạ sĩ cao lớn một lá cờ trắng cùng cây kèn trumpet ba
nốt. “Yên tĩnh khác thường trên cánh đồng tuyết phủ trắng xóa” khi họ tiến
đến chiến hào tiền duyên xa nhất. Hạ sĩ đưa kèn lên thổi: “Chú ý! Chú ý!
Mọi người nghe đây!” Họ tiến lên chừng 100 m thì có tiếng súng nổ. Ba
người buộc phải chúi xuống nấp sau một cái lũy thấp mà nhóm trinh sát Nga
đắp trong tuyết để quan sát ban đêm. Bộ đồ vía “chú rể” chẳng mấy chốc đã
hết tinh tươm, với lại chống rét cũng không tốt lắm.
Khi đã hết tiếng súng, Smyslov và Dyatlenko đứng thẳng dậy thận trọng
đi tiếp. Hạ sĩ cũng đứng lên vẫy cờ và thổi kèn. Một lần nữa quân Đức lại nổ
súng nhưng không nhắm bắn vào họ. Rõ ràng họ có ý ép các phái viên lui
lại. Sau vài lần như thế, Vinogradov bực quá bèn gửi lên trước một thông
điệp để dẹp cái trò nguy hiểm lúc đi lúc ngừng như bà già đó
.
Smyslov và Dyatlenko trở lại Bộ Chỉ huy Phương diện quân báo cáo, xấu
hổ vì làm việc không xong. “Làm gì mà mặt mày bị xị thế, các đồng chí?”
Voronov hỏi. “Tình thế là không phải ta xin họ chấp nhận đề nghị của chúng
ta mà ngược lại. Vậy thì cho họ nếm thêm ít đạn, lúc đó họ phải chạy đến
xin ta ấy chứ, già đòn non nhẽ mà”. Trong đêm đó, máy bay Nga bay trên
trận địa Đức rải truyền đơn in tối hậu thư gửi Paulus cùng một thông điệp
gửi cho “Deutsche Offiziere, Unteroffiziere und Mannschaften!” (sĩ quan, hạ
sĩ quan và binh lính Đức) do Voronov và Rokossovsky ký. Và để thông điệp
thêm phần nặng ký “họ gửi cả bom để trợ lực cho lời nói”. Đài phát thanh
của Hồng quân cũng phát đi một bài do Erich Weinert đọc trên các tần số mà
quân Đức hay nghe và một số nhân viên điện đài của Đức biết. Truyền đơn
chắc chắn đã được đọc. Một đại úy trong Sư đoàn bộ binh số 305 thừa nhận
sau khi bị bắt rằng cả sĩ quan lẫn binh lính đều đã lén đọc truyền đơn Soviet
bất chấp hình phạt vì “trái cấm thường ngọt”. Đôi khi họ còn đưa truyền đơn
tiếng Nga cho một Hiwi tin cẩn xem và bảo anh ta dịch. “Ai cũng biết về tối
hậu thư”, anh ta nói.