lưỡi lê dài đang băng qua tuyết. Những chiếc tăng T-34 Nga, có chiếc chở
theo cả bộ binh như voi chở khỉ lao vun vút trên thảo nguyên. Gió mạnh thổi
bay tuyết, để lộ ra những ngọn cỏ thảo nguyên héo úa. Đạn cối nẩy lên từ
mặt đất cứng và nổ trên không, gây nhiều thương vong. Các phòng tuyến
của Sư đoàn bộ binh số 44 nhanh chóng bị đập tan, còn ai sống sót thì giữa
nơi trống trải thế này chỉ còn biết trông vào sự độ lượng của kẻ thù cũng như
của môi trường.
Vào buổi chiều, các sư đoàn bộ binh cơ giới số 29 và 3 trong vùng lồi
chính ở mũi Marinovka bắt đầu thấy mình bị đánh tạt sườn. Ở Sư đoàn bộ
binh cơ giới số 3, lính bổ sung cứ ngơ ngơ. “Vài người trong số họ kiệt sức
và đau ốm”, một sĩ quan viết, “và chỉ nghĩ đêm đến sẽ chuồn về tuyến sau,
đến nỗi tôi chỉ còn cách chĩa súng bắt họ ở lại trận địa”. Những báo cáo khác
cho rằng, nhiều vụ hành quyết không xét xử đã xảy ra trong giai đoạn cuối
này, nhưng không có con số nào đưa ra.
Đại đội tạp nham của Thượng sĩ Wallrawe gồm lính bộ binh cơ giới, lính
không quân và Cossack trụ được đến 10 giờ đêm đầu tiên thì nhận được lệnh
rút vì địch đã chọc thủng phòng tuyến và bỏ họ lại. Họ đã cố xoay xở chiếm
một vị trí phía bắc ga Karpovka nhưng lại bị đẩy lùi. “Kể từ hôm đó chúng
tôi không còn hầm ấm, đồ ăn nóng và một chút bình yên nào!” Wallrawe
viết.
Những sư đoàn đã suy yếu đó, với rất ít đạn, không có cơ hội nào cự được
với những cuộc tấn công ồ ạt của các tập đoàn quân Soviet số 21 và 65, có
máy bay tấn công mặt đất của Tập đoàn không quân số 16 yểm trợ. Quân
Đức đã củng cố Marinovka và Karpovka ở phía nam cái mũi bằng các công
sự bê tông và các hỏa điểm, nhưng việc đó không mấy tác dụng vì các mũi
thọc sâu chính lại xuất phát từ sống mũi. Quân Đức cố phản công bằng các
nhóm xe tăng còn lại và bộ binh lẻ tẻ yếu ớt nên không ăn thua. Quân Nga
dùng cối hạng nặng bắn chia cắt bộ binh với xe tăng rồi tiêu diệt số còn sót
lại không có gì che chở. Trước lúc ra quân, Cục Chính trị Phương diện quân
sông Đông đã nhắc nhở binh lính: “Nếu địch không hàng, thẳng tay tiêu
diệt!”