Tiếng la hét không dứt của thương binh và những kẻ sắp chết... hầu hết bọn
họ đã nhiều ngày không được ăn. Làm gì còn nhiều thức ăn cho thương
binh. Hàng tiếp tế là để dành cho những người đang chiến đấu”. (Khó mà
nói đây có là chủ trương chính thức hay không. Các sĩ quan cao cấp của Tập
đoàn quân số 6 ra sức chối, nhưng một số chỉ huy cấp dưới có lẽ đã tự đặt ra
quy định này). Dorner vốn chưa ăn gì từ ngày 9 tháng 1, cũng đang chờ chết
thì đêm 13 tháng 1, một phi công Áo của một chiếc Heinkel He 111 di ngang
qua hỏi anh quê đâu. “Tôi ở gần Amstetten”, anh đáp. Anh bạn người Áo
kêu một người nữa trong tổ lái dìu Dorner lên máy bay.
* * *
Trên cánh bắc, Sư đoàn tăng số 16 và Sư đoàn bộ binh cơ giới số 60 bị
đánh lui, bỏ lại một khoảng lõm ở khu vực này, trong khi ở ngay trong
Stalingrad, Tập đoàn quân số 62 của Chuikov tấn công Sư đoàn bộ binh nhẹ
số 100 và Sư đoàn bộ binh số 305, chiếm lại nhiều khối nhà. Trong khi đó,
trận tấn công chính của quân Soviet từ hướng tây vẫn tiếp tục băng qua
tuyết, đánh thốc vào phía tây Kessel. Sư đoàn bộ binh cơ giới số 29 bị quét
sạch. Thiếu nhiên liệu đã buộc Sư đoàn bộ binh cơ giới số 3 phải bỏ lại xe
cộ và vũ khí nặng mà chạy bộ qua tuyết dày. Khó hy vọng thiết lập lại tuyến
phòng thủ mới trên thảo nguyên trống trải khi mà binh sĩ đã không còn sức
mà đào hào nữa.
Các tập đoàn quân số 65 và 21 Soviet tiến về hướng Pitomnik, có các mũi
đột phá của Tập đoàn quân số 57 và 64 hỗ trợ ở cánh nam, nơi Sư đoàn bộ
binh số 297 có cả nhóm chiến đấu của Mader đã bị đẩy lùi. Bên cánh phải
của họ, Sư đoàn bộ binh số 376 của Edler von Daniels bị cắt đứt. Đầu giờ
chiều ngày 14 tháng 1, Sở Chỉ huy Tập đoàn quân số 6 gửi điện: “Sư đoàn
bộ binh số 376 bị tiêu diệt. Sân bay Pitomnik có thể chỉ dùng được đến ngày
15 tháng 1”.
Tin xe tăng Soviet tấn công giờ gây “chứng sợ tăng” cho binh lính Đức.
Chẳng mấy khẩu pháo chống tăng còn đạn. Không ai còn thời gian đâu mà