Các bác sĩ gần đấy cũng làm việc trong các “Khe thần Chết” với thương
binh nằm la liệt trong các đường hầm đào cho ngựa ở bên vách. Một bác sĩ
thấy nó giống Golgotha
vì ngay phía trên là nghĩa địa. Trạm cứu thương
trung tâm và trung tâm chấn thương sọ não đành phải dẹp bỏ, bỏ lại các
thương binh nặng nhất. Vài ngày sau quân Nga đến, hầu hết các thân hình
quấn băng khắp người này đang chết dần. Ranke, một thông dịch viên cấp
sư đoàn bị thương vào đầu, cố hét lên bằng tiếng Nga. Người lính đang bắn
ngạc nhiên dừng lại, lôi anh ta về gặp Chính ủy, ông này lại cử anh ta đuổi
theo quân Đức đang rút chạy bảo họ đầu hàng.
Nếu quân Nga mà hăng máu báo thù thì những xác tù binh Hồng quân
trong trại gần đấy càng tiếp thêm lửa cho họ. Những người sống sót đói đến
nỗi khi những người giải cứu họ bớt suất ăn đưa cho một mẩu bánh mì với
chút xúc xích, nhiều người ăn vào là chết ngay.
* * *
Kessel đáng ra đã sụp đổ nhanh hơn nhiều nếu không có những kẻ cứng
đầu vẫn tin vào sự nghiệp mà họ đang chiến đấu vì nó. Một trung sĩ Sư đoàn
phòng không số 9 của không quân viết về nhà: “Con tự hào được đứng trong
hàng ngũ những người bảo vệ Stalingrad. Dù có chuyện gì, khi đến lúc con
phải chết, con sẽ có diễm phúc được góp một phần ở địa đầu phía đông của
trận chiến vĩ đại trên sông Volga cho tổ quốc mình, hiến dâng cuộc đời con
cho lãnh tụ và cho tự do của dân tộc chúng ta”. Thậm chí ở thời điểm muộn
màng như vậy rồi mà hầu hết các đơn vị chiến đấu vẫn còn cố chống cự và
cũng có những tấm gương về lòng dũng cảm phi thường. Tướng Jaenecke kể
rằng “một cuộc tấn công của 28 xe tăng Nga ở gần ga Bassagino đã bị Trung
úy Hirschmann một mình một khẩu pháo cao xạ chặn đứng. Anh ta đã diệt
được cả chục xe tăng T-34 trong cuộc đối đầu này”. Vào lúc tàn cuộc như
thế này, vai trò lãnh đạo tạo ra khác biệt hơn bao giờ hết. Nản chí và thương
thân là nguy hiểm lớn nhất, đối với kỷ luật quân đội cùng như với sự sống
sót của mình.