Một số lượng dáng kể các Hiwi đã tỏ ra trung thành với người Đức đến
phút chót. Trong các đống đổ nát của Stalingrad, trước khi đầu hàng, một số
lính Sư đoàn bộ binh số 305 bị đói. Các Hiwi đi cùng họ lần đi đâu mất và
họ tưởng không còn gặp lại nữa, nhưng những người Nga đã quay lại với đồ
ăn dành cho họ. Kiếm ở đâu họ không nói. Tuy nhiên sự trung thành của
những người Nga này không phải lúc nào cũng được đền đáp. Ngay trước
lúc đầu hàng, một thượng sĩ đã hỏi viên sĩ quan: “Ta làm gì với tám Hiwi ấy
bây giờ? Tôi bắn họ nhé?” Viên trung úy phải lùi lại trước kiểu máu lạnh đó
và gạt đi. Anh ta bảo các Hiwi nấp kỹ hoặc trốn đi nếu được. Thế là họ đi.
Số phận của Hiwi vào cuối trận Stalingrad vẫn không rõ ràng, một phần vì
hồ sơ của sư đoàn NKVD số 10 vẫn được giữ kín. Không có cách nào để
biết bao nhiêu người đã chết trong mười tuần vây hãm và ba tuần chiến đấu
cuối cùng. Một số bị bắn ngay khi bắt được, vài người được giữ lại làm
thông dịch và chỉ điểm, số còn lại thì NKVD giải đi. Ngay cả người bên
quân báo của Hồng quân cũng không biết về sau họ thế nào. Có thể họ đã bị
sát hại - nhưng vào đầu năm 1943 chính quyền Soviet muốn có thêm sức lao
động, nhất là khi các tù nhân Gulag đã được sung vào các đại đội trừng giới.
Giải pháp bắt Hiwi làm việc chắc chắn là giải pháp lợi cả đôi đường.
* * *
Trong mấy ngày chiến đấu cuối cùng, nhà chức trách quân sự Soviet ngày
càng lo lắng ngăn chặn các nhóm nhỏ có thể lọt lưới. Ba sĩ quan Đức do một
trung tá cầm đầu mặc quân phục Hồng quân đã bị bắt ngày 27 tháng 1. Một
trung úy Nga thuộc một trung đoàn tăng đã dồn được hai sĩ quan khác nhưng
lại bị họ nổ súng bắn bị thương. Có khoảng 9-10 toán lính Đức đã phá vòng
vây nhưng có vẻ không toán nào thoát; lúc này Cụm Tập đoàn quân sông
Đông đã bị đẩy lùi sang bên kia sông Donets, cách Kessel hơn 300 km. Thế
nhưng có chuyện một người lính đã thoát được, tuy chuyện chưa kiểm
chứng và nghe cũng thiếu thuyết phục, có điều ngay hôm sau anh này lại
trúng bom trong bệnh viện dã chiến, nơi anh ta đang điều trị kiệt sức và