đúng là thế, sao Paulus và những người khác lại không tự sát như một người
lính đích thực?” Họ ngơ ngác hỏi nhau.
* * *
Cụm phía bắc với tàn quân của 6 sư đoàn dưới sự chỉ huy của Tướng
Strecker vẫn tiếp tục cầm cự. Ở Sở Chỉ huy Quân đoàn số 11 đóng ở nhà
máy chế tạo máy kéo Stalingrad, Strecker gửi điện: “Bộ đội đang chiến đấu
mà không có vũ khí nặng và tiếp tế hậu cần. Binh sĩ suy sụp vì kiệt sức.
Nhiều khi chết cóng mà vẫn ôm súng. Strecker”. Thông điệp của ông thô
tháp, khác hẳn kiểu rập khuôn của Quốc xã. Hitler nhận được điện sau cuộc
họp với Zeitzler đã trả lời lúc cuối buổi chiều: “Tôi trông mong Kessel phía
bắc đứng vững đến cùng”. Để nhấn mạnh thêm điểm này, ông ban bố một
chỉ thị của Quốc trưởng ít lâu sau đó: “Quân đoàn số 11 phải kháng cự đến
cùng để cầm chân càng nhiều lực lượng địch càng tốt nhằm hỗ trợ các chiến
dịch trên những mặt trận khác”.
Bốn tập đoàn quân Soviet nhanh chóng triển khai để đè bẹp cụm cuối
cùng. Ba trăm khẩu pháo tập trung chỉ trong 1 km, khu vực nhà máy một lần
nữa lại bị dập tơi bời. Hầm nào còn sót cũng đều bị đạn tầm gần phá nát, có
hầm bị pháo bắn, có hầm bị súng phun lửa đốt, đôi khi xe tăng còn xộc
thẳng vào, chọc cả nòng vào lỗ châu mai.
Strecker tin rằng nếu đơn thuần để giúp Manstein thì còn có ý nghĩa về
mặt quân sự để mà tử thủ, nhưng ông quyết phản đối ý tưởng tự hủy diệt vì
mục đích tuyên truyền. Trong đầu ông đã biết rõ bổn phận của một sĩ quan
là gì, như cuộc nói chuyện của ông với một phụ tá trung đoàn trưởng chỉ ít
lâu trước khi mọi chuyện kết thúc cho thấy.
“Khi đến lúc”, viên phụ tá cam đoan với ông, “chúng tôi sẽ tự sát”.
“Tự sát?” Strecker ngạc nhiên.
“Vâng, thưa Tướng quân! Đại tá của tôi cũng sẽ tự bắn mình. Ông ấy tin
rằng chúng ta không được phép để địch bắt”.