* * *
Vài ngày sau, các phóng viên nước ngoài được đưa đi xem khu vực nhà
máy. “Lúc bình thường địa hình ở đây thế nào không ai biết được”, nhà báo
Anh Alexander Werth viết. “Ta cứ phải hết lên lại xuống, hết xuống lại lên;
sườn dốc cũ ở đâu, hay đâu là mép của hàng tá hố bom chồng chéo lên nhau,
không ai nói được. Các chiến hào chạy cắt qua sân nhà máy, xuyên qua cả
các nhà xưởng; dưới đáy chiến hào vẫn còn những xác lính Đức màu xanh
và xác lính Nga màu xám đông cứng cùng những mảnh thân thể cũng đông
cứng, và cả mũ sắt Đức và Nga nằm lẫn với gạch vụn, tuyết ngập lưng mũ.
Có cả kẽm gai và những quả mìn lộ ra một nửa, vỏ đạn và thêm nhiều xà
bần cùng những mảng tường, những thanh rầm cong queo gỉ sét. Làm sao
người ta có thể sống sót ở đây, thật khó mà hình dung nổi”.
* * *
Sáng 2 tháng 2 khởi đầu với sương mù dày đặc, sau đó tan dần khi mặt
trời lên và gió thổi tung tuyết vụn. Khi tin đầu hàng lan truyền trong Tập
đoàn quân số 62, pháo hiệu bắn lên không trung không ngớt. Thủy thủ giang
đoàn Volga và binh lính từ bên tả ngạn vượt qua mặt băng với những ổ bánh
mì và các hộp đồ ăn đem cho dân chúng bị mắc kẹt suốt năm tháng ròng
trong các hầm hố.
Từng người, từng tốp bước đi, hớn hở ôm chầm lấy bất cứ ai họ gặp.
Những giọng nói nghẹn lại trong không khí lạnh giá. Bóng người xuất hiện
khắp nơi giữa cảnh hoang lương nhợt nhạt, nhưng thành phố vẫn trông như
bị bỏ hoang và đã chết. Cái kết cục khó mong đợi, thậm chí còn bất ngờ, và
những người lính Nga bảo vệ nó không dám tin rằng trận Stalingrad cuối
cùng cũng đã kết thúc. Khi nghĩ đến nó và nhớ đến những người đã mất, sự
sống sót của họ khiến chính họ cũng ngỡ ngàng. Mỗi sư đoàn được điều qua
sông Volga chỉ còn không quá vài trăm người sống sót. Trong toàn bộ chiến