“Để tôi nói anh nghe. Anh sẽ không tự bắn mình, cả đại tá của anh cũng
thế. Các anh sẽ chấp nhận bị bắt cùng với người của mình và sẽ làm mọi thứ
có thể để nêu một tấm gương tốt”.
“Ý ngài là...” mắt cậu sĩ quan trẻ sáng lên, “tôi không phải tự bắn mình”.
Strecker dành gần hết đêm mùng 1 tháng 2 tại Sở Chỉ huy Trung đoàn của
một người bạn cũ, Đại tá Julius Muller. Một cây nến duy nhất thắp trong góc
boong ke trong khi nhóm nhỏ những người có mặt nói chuyện về trận đánh
hiện tại, về những người bạn thuở xưa và về cảnh giam cầm sắp tới. “Không
ai nhắc đến những khổ đau”, Strecker nhận xét, “không ai nói lời cay đắng”.
Sáng sớm, Strecker đứng lên. “Muller, tôi phải đi đây”, ông nói. “Chúa che
chở cho anh và người của anh”. Strecker rất tâm đắc với mô tả của Thomas
Carlyle về Chúa như “thống soái đích thực”. Chắc hẳn hình dung của ông về
thiên đường là một nơi có quy củ nhà binh mẫu mực.
“Chúng tôi sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình, thưa tướng quân”, Muller đáp
lúc hai người bắt tay nhau.
Strecker đã bác bỏ yêu cầu đầu hàng của các chỉ huy sư đoàn, nhưng vào
lúc 4 giờ sáng ngày 2 tháng 2, các tướng Arno von Lenski và Martin
Lattmann một lần nữa lại xin phép ông. Strecker lại từ chối. Lúc đó Lenski
mới nói rằng một trong các sĩ quan của ông đã đi điều đình với quân Nga.
Strecker thấy cố nữa cũng không để làm gì. Ông cùng Groscurth thảo bức
điện cuối cùng. “Quân đoàn số 11 với 6 sư đoàn đã hoàn thành bổn phận
chiến đấu đến người cuối cùng. Nước Đức muôn năm!” Bức điện được Cụm
Tập đoàn quân sông Đông nhận. Về sau, Strecker quả quyết rằng, ông và
Groscurth đã cố ý bỏ qua việc tung hô Hitler, nhưng trong bức điện được ghi
lại và gửi tiếp đi Đông Phổ thì lại kết thúc bằng câu “Fuhrer muôn năm!”
Có lẽ ai đó đã nghĩ rằng phải viết như vậy để bức điện dễ được chấp nhận
hơn ở Wolfsschanze.
Khi hai người lính Nga ngập ngừng xuất hiện ở lối vào hầm chỉ huy,
Groscurth gọi to bảo họ đưa tướng chỉ huy đến. Về sau Strecker viết rằng
nhiều lính của ông lúc đó “gần như chết rồi”.