châm ngòi cho một cuộc nổi dậy, nhưng không một tư lệnh quân đội nào sẵn
sàng hành động. Các sĩ quan cấp thấp hơn nhưng quyết tâm hơn hẳn lại sẵn
sàng đánh liều cả tính mạng, nhưng Hitler có cái mũi rất thính trước nguy
hiểm nên canh phòng rất kỹ, lại thường thay đổi kế hoạch vào phút cuối.
Dấu hiệu bất bình công khai duy nhất sau thất bại Stalingrad xuất phát từ
một nhóm nhỏ các sinh viên Munich, có tên là nhóm Hoa Hồng Trắng. Quan
điểm của họ lan sang sinh viên Hamburg, Berlin, Stuttgart và Vienna. Ngày
18 tháng 2, sau một chiến dịch rải tờ rơi và kẻ khẩu hiệu lên tường kêu gọi
lật đổ chế độ Quốc xã, Sophie Scholl và anh cô là Hans đã bị bắt sau khi
phân phát thêm truyền đơn tại đại học Ludwig-Maximilian ở Munich. Bị
Gestapo tra tấn, sau đó bị Roland Freisler tuyên án tử hình trong một phiên
xử đặc biệt của Tòa án phát xít ở Munich, hai anh em đã bị chặt đầu. Một số
thành viên khác trong nhóm, gồm cả giáo sư triết học Kurt Huber, cũng chịu
chung số phận.
* * *
Không lâu sau khi đầu hàng toàn diện tại Stalingrad, Hitler đã gặp Thống
chế Manstein, sĩ quan cao cấp đầu tiên nằm ngoài bộ sậu của ông. Manstein
tóm tắt những biện pháp mà ông đã buộc phải thực hiện nhằm tránh sụp đổ
hoàn toàn ở miền nam nước Nga. Hitler muốn lệnh cho Manstein không
được rút thêm, nhưng Manstein biết rằng trong hoàn cảnh này, ông có thể
đưa ra điều kiện. Trong lúc bàn bạc, Hitler đã nói là chỉ một mình ông gánh
chịu trách nhiệm đối với thất bại Stalingrad, nhưng ngay lập tức lại né tránh
bằng cách nói thêm rằng cũng phải trách cả Goering nữa, nhưng vì ông đã
chỉ định gã Thống chế Đế chế này kế vị mình nên không thể buộc trách
nhiệm cho gã được. Về chiến lược rối rắm cùng mưu toan điều hành các
chiến dịch từ xa của mình, thì ông không nhắc đến. Nhưng tội to nhất ông
vẫn gán cho Paulus. Ông bảo Goebbels rằng sau chiến tranh ông sẽ đưa
Paulus và các tướng của tay này ra tòa án binh vì tội không tuân thủ mệnh
lệnh rất rõ ràng là tử thủ đến viên đạn cuối cùng của ông.