Trong số đó có đến 994 đứa trẻ, chỉ có 9 được đoàn tụ với gia đình. Bọn trẻ
phần lớn được gửi đến các trại mồ côi của nhà nước hoặc bị phân đi dọn dẹp
thành phố. Các báo cáo không đả động gì đến tình trạng thể chất và tinh thần
của chúng, chỉ ít nhiều biết được theo lời kể của một nhân viên cứu trợ Mỹ
đến đây ngay sau cuộc chiến để phân phát quần áo. “Phần lớn bọn trẻ”, cô
viết, “đã sống dưới mặt đất suốt bốn-năm tháng mùa đông. Chúng bị phù nề
vì đói. Chúng cứ thập thò trong góc, không dám nói chuyện, cả nhìn vào mặt
người ta cũng không dám”.
Thành ủy Stalingrad còn có ưu tiên lớn hơn. “Chính quyền Soviet đã lập
tức được tái lập ở tất cả các quận trong thành phố”, họ báo cáo về Moskva.
Ngày 4 tháng 2, các Chính ủy Hồng quân tổ chức một hội nghị chính trị
“toàn thành”, cả dân thường sống sót lẫn binh sĩ. Hội nghị nào cũng có
những diễn văn ca ngợi đồng chí Stalin và sự lãnh đạo của người đối với
Hồng quân.
Mới đầu, chính quyền còn chưa cho phép dân chạy nạn sang bờ đông trở
về vì còn phải rà phá bom đạn chưa nổ. Các đội phá mìn còn phải dọn “các
lối đi an toàn đặc biệt”. Tuy thế chẳng bao lâu sau nhiều người đã lẻn qua
sông Volga đóng băng trở về mà chả cẩn phép tắc gì. Những dòng tin nhắn
viết bằng phấn bên mép các đống đổ nát cho thấy nhiều gia đình lạc nhau
bởi cuộc chiến: “Mẹ ơi, bọn con vẫn ổn. Mẹ đến Beketovka tìm bọn con.
Klava”. Nhiều người không thể biết gia đình mình ai còn ai mất cho đến hết
chiến tranh.
* * *
Một lượng lớn tù binh, nhiều người quá yếu đứng không vững cũng bị
đưa đến tham gia hội nghị chính trị ở trung tâm Stalingrad để nghe những
bài diễn thuyết công phu của ba nhà lãnh đạo cộng sản Đức: Walter
Ulbricht, Erich Weinert và Wilhelm Pieck.
Tình trạng của hầu hết tù binh lúc đầu hàng đã thê thảm lắm rồi, báo trước
tỷ lệ tử vong cao trong mấy tuần, mấy tháng kế tiếp. Nó còn trầm trọng thêm