Kessel phải đi chừng 20 km đến Dubrovka, phía bắc Stalingrad. Phải mất hai
ngày mới đến nơi. Ban đêm họ bị lùa vào các khung nhà đổ không mái do
Luftwaffe đánh phá, như thể những người áp giải không quên nhắc để họ
nhớ.
Tuy nhiên hàng ngàn người phải thực hiện chuyến đi có thể gọi là hành
trình thần chết. Tệ nhất là không có thức ăn nước uống trong khi trời lạnh
âm 25-30°, mà lại phải đi vòng vèo từ khe Tsaritsa, qua Gumrak và
Gorodishche, cuối cùng kết thúc ở Beketovka sau năm ngày trời. Chốc chốc
lại nghe tiếng súng vang lên trong thinh không lạnh giá khi có một nạn nhân
ngã xuống tuyết, không thể đi tiếp được. Cái khát cũng là hiểm họa không
kém gì cái mệt vì đói. Tuy khắp xung quanh là tuyết nhưng họ vẫn phải chịu
cảnh éo le của những người đi biển cổ đại khi biết không thể uống được
nước biển.
Mái che qua đêm rất hiếm hoi thành ra tù binh cứ nằm với nhau trên
tuyết. Nhiều người tỉnh dậy thấy đồng đội nằm cạnh đã chết và đông cứng tự
bao giờ. Nhằm tránh chuyện đó, mỗi nhóm cắt cử người thay nhau thức canh
nửa tiếng một. Sau đó tất cả sẽ có thể linh lợi hơn để đối phó với hoàn cảnh.
Có người còn không dám đặt lưng nằm xuống. Hy vọng có thể ngủ như
ngựa, họ đứng chụm vào nhau, mền phủ lên trên để giữ lại chút hơi ấm từ
hơi thở.
Sáng ra không đem lại sự nhẹ nhõm mà chỉ là nỗi khiếp sợ con đường
phía trước. “Người Nga có phương pháp rất đơn giản”, một trung úy sống
sót kể lại. “Ai còn đi được thì đi. Ai không đi được vì vết thương hay đau
ốm sẽ bị bỏ lại không thức ăn cho chết luôn”. Nhanh chóng nắm vững
nguyên tắc sinh tồn này, anh ta sẵn sàng đổi cái áo len để lấy sữa và bánh mì
của một bà nông dân Nga trong lúc dừng chân nghỉ đêm vì biết rằng nếu
không thì mai anh ta sẽ đuối sức gục mất.
* * *