Lẽ sinh diệt, lý tu hành • 7
nó, buông bỏ trải nghiệm đó, buông bỏ mọi thứ thuộc về
năm uẩn này.
Thiền giống như chiếc đũa. Trí tuệ minh sát (vipassanā)
là một đầu và sự tĩnh lặng hay thiền định (samatha) là một
đầu. Khi ta cầm chiếc đũa lên, một đầu này nhấc lên thì đầu
kia cũng lên theo, đúng không? Vậy đầu nào là thiền tuệ
minh sát (vipassanā) và đầu nào là thiền định (samatha)? Đầu
nào là đầu, đầu nào là cuối? Cả hai đều là tâm. Khi tâm được
bình an, đầu tiên sự bình an có được là nhờ sự tĩnh lặng của
thiền định (samatha). Ta tập trung và hợp nhất tâm vào
những trạng thái bình an của thiền, gọi là trạng thái định
(samādhi). Tuy nhiên, nếu sự bình an và tĩnh tạo của định
phai biến dần, thì khổ sẽ khởi sinh trở lại ngay đó. Tại sao
vậy? Bởi sự bình an có được chỉ từ thiền định thì vẫn còn
dựa trên sự dính chấp. Và sự dính chấp này có thể là một
nguyên nhân của khổ. Cho nên, sự tĩnh lặng hay định chưa
phải là phần kết cục của con đường đạo. Đức Phật đã nhìn
thấy điều này từ chính sự trải nghiệm của mình rằng: sự
bình an loại đó là chưa rốt ráo, là chưa tột cùng. Những
nguyên nhân nằm bên dưới tiến trình sinh hữu (bhava) đã
chưa được đưa đến ngừng diệt (nirodha). Những điều kiện
[nhân duyên] gây ra tái sinh vẫn còn đó. Sự nghiệp tu hành
tâm linh của người tu lúc đó vẫn chưa đạt đến mức hoàn
thiện. Tại sao? Tại vẫn còn khổ hoặc bóng dáng khổ. Do vậy,
từ cơ sở sự tĩnh lặng của thiền định đó, người tu cần phải
nên tiến lên quán xét, điều tra, và phân tích bản chất có điều
kiện của thực tại hữu vi cho đến khi nào người ấy không còn
bất kỳ sự dính chấp nào nữa— ngay cả sự dính chấp vào sự
tĩnh lặng của thiền định cũng không còn. Sự tĩnh lặng hay
định vẫn còn là một phần của thế giới hữu vi có điều kiện và
thực tại theo quy ước. Dính chấp vào loại bình an này là sự
dính chấp vào thực tại theo quy ước; và chừng nào ta còn
dính chấp vào đó, thì ta vẫn còn bị sa lầy trong vòng sinh tử.