dụng chi phối cả thiên hạ. Ngay ở đây, trong cách sắp đặt của ông cũng có
những điều đời sau không dám nghĩ đến. Ông chép riêng lịch sử nước Tần,
trước Tần Thuỷ Hoàng thành một bản kỷ, vì trong thời Chiến quốc, nước
Tần là nước chi phối vận mệnh của tất cả các nước . Ông làm bản kỷ Lữ
Hậu, mặc dầu Lữ Hậu chỉ là thái hậu chứ không trị vì trên danh nghĩa. Trái
lại, ông không làm bản kỷ của Huệ Đế, mặc dù trên danh nghĩa, Huệ Đế
vẫn là vua. Đó là vì, tuy Huệ Đế làm vua nhưng tất cả quyền hành đều nằm
trong tay Lữ Hậu. Đặt một người đàn bà lên địa vị “kỷ cương” một nước, là
điều không một sử gia nào đời sau dám làm. Táo bạo hơn, ông dành cho
Hạng Vũ những trang đẹp nhất,mặc dù Hạng Vũ chưa làm đế, là kẻ thù của
nhà Hán. Đó cũng là vì ông tôn trọng sự khách quan. Hạng Vũ tuy về danh
nghĩa không phải là người làm chủ các chư hầu đánh lại nhà Tần (đó là địa
vị của Nghĩa đế), nhưng trong thực tế, người có công lớn nhất trong việc
tiêu diệt nhà Tần, người phong đất cho chư hầu cai trị thiên hạ trong năm
năm, chính là Hạng Vũ. Các bản kỷ cung cấp cho người đọc, cái nhìn khái
quát về từng thời đại để sau đó đi sâu vào từng sự kiện và từng nhân vật.
2. Biểu : Để có cái nhìn đối chiếu các sự kiện hoặc căn cứ vào niên đại,
hoặc căn cứ vào sự tương quan đồng thời giữa các nước, Tư Mã Thiên lập
ra mười biểu gồm có :
1. Thế biểu thời tam đại
2. Niên biểu mười hai nước chư hầu.
3. Niên biểu sáu nước thời Chiến quốc
4. Nguyệt biểu những việc xảy ra thời Hán Sở.
5. Niên biểu các nước chư hầu từ thời Hán.
6. Niên biểu các công thần của Hán Cao Tổ
7. Niên biểu các nước chư hầu thời Huệ Đế và Cảnh Đế.
8. Niên biểu các nước chư hầu từ niên hiệu Kiến Nguyên.
9. Niên biểu các vị vương thời Vũ Đế.
10. Niên biểu các danh thần từ khi nhà Hán lên.
Những bản biểu là những công trình khoa học rất quý, ghi chép, năm,
tháng, biến cố, giúp cho các nhà sử học hiểu được vị trí của từng sự kiện và
sự tương quan của nó về thời gian cũng như về không gian với các sự kiện