thường dân không hề có một tấc đất phong. Đó là Khổng Tử, một người có
địa vị đặc biệt trong lịch sử tư tưởng của Trung quốc, và Trần Thiệp, anh
chàng cố nông đã cầm đầu cuộc nông dân khởi nghĩa đầu tiên của lịch sử
dân tộc Hán. Cách nhìn như vậy chứng tỏ một tầm con mắt khác thường.
5. Liệt truyện : Danh từ này do chính tác giả đặt ra. Phần này gồm 70 thiên
bao gồm những nhân vật khác nhau và những sự việc rất khác nhau. Đáng
để ý trước hết là phần liệt truyện dành cho những nước ở ngoài địa bàn
Trung quốc mà ông là người đầu tiên đưa vào lịch sử với tính cách những
bản khái quát đứng đắn và khoa học (Nam Việt, Đông Việt, Triều Tiên, Tây
Di, Đại Uyển, Hung Nô). Cố nhiên, một phần liệt truyện sẽ dành cho những
người tai mắt trong xã hội cũ như những danh tướng (Mông Điềm, Lý
Quảng, Vệ Thanh), những người làm quan to (Trương Thích Chi, Công
Tôn Hoằng, v…v..) Điều đáng chú ý nhất ở đây là ông đã nhìn thấy vai trò
to lớn của những con người bình thường, thường không có chức tước gì
nhưng có ảnh hưởng vô cùng sâu rộng đối với cả dân tộc. Đó là những du
hiệp, những thích khách, trọng nghĩa, khinh tài mà ông đã ghi lại trong
những trang sôi nổi (Thích khách Liệt truyện, Du hiệp Liệt truyện). Đó là
những nhà tư tưởng mà tác phẩm của ông đã ghi lại cuộc đời, hành trang và
đánh giá học thuyết (Lão Tử, Trang Tử, Tuân Khanh, v..v..) Đó là những
nhà văn như Khuất Nguyên, Tư Mã Tương Nhu mà ông nêu lên giá trị và
nhận xét về nghệ thuật. Đó là những thầy thuốc, thầy bói, thậm chí những
anh hề mà trong con mắt của ông lời nói có thể xếp vào Lục Kinh. Và cố
nhiên một con người yêu nhân dân và sự thật như Tư Mã Thiên không thể
nào quên những tên sâu, mọt, đàn áp bóc lột dân chúng, những bọn “khốc
lại” chỉ lo a dua nhà vua, tàn sát dân lành, những bọn ngoại thích lộng
quyền và vô số những nhân vật ti tiện mà ông mạt sát bằng những lời phẩn
nộ. Thế giới của Tư Mã Thiên bao la như vậy! Quy mô của tác phẩm làm ta
ngợp, bút lực của tác giả làm ta sợ. Đối với những người yêu văn học
Trung quốc, tác phẩm đưa đến một cảm giác rất lạ. Ở đây có cái biến ảo
của Nam Hoa Kinh, có cái rạch ròi của Hàn Phí Tử. Nhưng còn một cái nữa
mà văn học từ Hán trở về trước (trừ Kinh Thi) không thấy có, đó là ý thức
bám chắc vào sự thực, không rời cuộc sống dù chỉ nửa bước. Chúng ta cảm