nói quyển Sử Ký viết cho “những người của nó”. Người của nó đây không
phải là một vị ân chủ, một mỹ nhân, mà là nhân dân vĩ đại và bất tử. Ông
có ý thức rõ về việc đó, cho nên hai ngàn năm sau đọc Sử Ký, ta thấy nó
sinh động, mãnh liệt vô cùng, đồng thời tràn ngập cái hào khí của chính
nghĩa. Nhìn vào quyển sách của ông, ta thấy hiện lên rõ rệt sự bất bình
đẳng trong xã hội, cảnh nghèo khổ của những nông dân mất hết đất đai, sự
giàu có phè phỡn cua bọn phong kiến, con buôn lớn. Ta thấy bức tranh hiện
thực về xã hội mà bọn bồi bút phong kiến cố hết sức che đậy bằng những
danh từ trống rỗng. Cố Viêm Võ nói rất đúng, “Người xưa làm sử không
cần bàn luận, nhận xét , mà cái ý của tác giả thấy ngay trong việc trình bày
thì chỉ có một mình Thái sử công làm được mà thôi”. Cái khó ở đây không
ở phương pháp mà ở con tim. Cũng vì Tư Mã Thiên không viết tác phẩm
theo những khuôn khổ có sẵn về đạo đức phong kiến, nên những nhận xét
của ông về lịch sử rất là trác việt.
Ông luôn luôn lấy quyền lợi của nhân dân, lấy sự sống của họ để đánh giá
nhân vật lịch sử. Đặc biệt khi viết lịch sử nhân vật nào, ông cũng nêu rõ sự
gắn bó của nhân vật với số phận của dân chúng. Ông thấy rõ Trần Thiệp
“tài năng ở dưới mức trung bình”, nhưng đã làm được một việc oanh liệt,
chỉ vì được dân chúng ủng hộ. Sự phân tích của ông về sự thành công của
Lưu Bang và sự thất bại của Hạng Vũ có một ý nghĩa to lớn. Dưới con mắt
của ông, Hạng Vũ là một con người phi thường “tài năng và chí khí hơn
người”, “từ cận cổ đến nay chưa ai có được như thế”. Về tư cách cá nhân
mà nói, thì Lưu Bang kém Hạng Vũ về tất cả mọi mặt. Hạng Vũ là viên
tướng bách chiến bách thắng, quân chư hầu sợ Hạng Vũ đến nỗi “đi bằng
đầu gối, không ai dám ngẩng lên nhìn”. Hạng Vũ thương người và trọng
nghĩa. Trái lại Lưu Bang là một người “không lo làm ăn”, “tham tiền và
ham gái”, ngạo mạn, vô lễ, “thấy khách đội mũ nhà nho, Bái Công liền giật
lấy mũ đái vào trong”. Thế nhưng cuối cùng Lưu Bang lại lấy được thiên
hạ. Đó là vì Lưu Bang biết tự kiềm chế mình, lắng nghe theo lòng dân, luôn
luôn chú ý đến dân chúng cho nên dân chúng tin. Đúng như Hàn Tín nói,
Hạng Vũ chỉ có cái nhân của người đàn bà, cái dũng của một kẻ thất phu,
tiếc tiền, tiếc đất, chỉ tin vào tài năng của cá nhân mình, nghi ngờ tất cả; đã