Năm thứ hai mươi đời Lỗ Chiêu Công, Khổng Tử đã ba mươi tuổi. Vua Tề
Cảnh Công cùng Án Ánh đến nước Lỗ. Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử:
- Ngày xưa Tần Mục Công nước nhỏ, ở nơi hẻo lánh, nhưng tại sao lại làm
được nghiệp bá?
Khổng Tử đáp:
- Nước Tần tuy nhỏ, nhưng chí của nó lớn. Tuy nó ở nơi hẻo lánh nhưng
chính trị của nó đúng đắn. Nhà vua thân hành cử Bách Lý Hề cho làm đại
phu dùng ông ta từ chỗ bị trói, nói chuyện với ông ta ba ngày rồi trao chính
sự cho ông ta. Nếu làm như thế thì nghiệp vương cũng có thể làm được,
chứ nghiệp bá vẫn còn nhỏ đấy.
Cảnh Công bằng lòng.
Khi Khổng Tử ba mươi lăm tuổi, thì Quý Binh Tử và Hậu Chiêu Bá vì việc
chọi gà mà có tội với Lỗ Chiêu Công. Lỗ Chiêu Công đem binh đánh Quý
Bình Tử. Quý Bình Tử cùng họ Mạnh và họ Thúc Tôn, ca ba nhà hợp lực
đánh Lỗ Chiêu Công (6). Lỗ Chiêu Công thua chạy sang nước Tề. Vua Tề
cho Lỗ Chiêu Công ở ấp Can Hầu. Sau đó ít lâu, nước Lỗ có loạn. Khổng
Tử đến nước Tề làm tôi ở nhà họ Cao Chiêu Tử để được yết kiến Tề Cảnh
Công. Khổng Tử nói chuyện âm nhạc với quan thái sư (chức quan lo về
nhạc – N.D) nước Tề, nghe nhạc “thiều” và học nhạc ấy, say mê ba tháng
không biết đến mùi thịt. Người Tề khen ngợi.
Cảnh Công hỏi Khổng Tử làm chính trị phải như thế nào. Khổng Tử đáp:
- Vua phải theo đúng đạo làm vua, tôi phải theo đúng đạo làm tôi, cha phải
theo đúng đạo làm cha, con phải theo đúng đạo làm con.
Tề Cảnh Công nói:
- Thật đúng lắm! Nếu như vua không theo đúng đạo làm vua, cha không
theo đúng đạo làm cha, tôi không theo đúng đạo làm tôi, con không theo
đúng đạo làm con thì tuy có thóc đấy, ta có thể ăn được không?
Một hôm khác, Tề Cảnh Công lại hỏi Khổng Tử làm chính trị phải như thế
nào. Khổng Tử đáp:
- Muốn làm chính trị thì phải lo tiết kiệm trong việc tiêu dùng.
Tề Cảnh Công bằng lòng, lấy ruộng Ni Khê phong cho Khổng Tử. Án Ánh
tiến lên nói: