Cho nên trí họ không tự mãn, hành động của họ không kiêu, luôn luôn theo
đạo mà không bỏ. Vì vậy giữ mãi được thiên hạ mà không mất. Ngày xưa
Tề Hoàn Công nhóm họp chư hầu, chỉnh đốn thiên hạ, đến khi họp ở Quỳ
Khâu thì có ý kiêu căng, chín nước phản lại; vua Ngô là Phù Sai, quân đội
vô địch trong thiên hạ, dũng mãnh coi khinh chư hầu, lấn át nước Tề, nước
Tần cho nên rút cục thân bị giết, nước bị mất. Hạ Dục, Thái Sử Hiệu (68)
hò hét làm ba quân sợ hãi, nhưng thân bị chết bởi một người tầm thường.
Những người này thanh thế đã đến cực thịnh, nhưng không quay về với đạo
lý, không khiêm tốn rút lui để an tâm chịu nghèo hèn cho nên mới xảy ra
tai hoạ như thế! Thương Quân làm pháp lệnh cho Tần Hiếu Công, cấm
nguồn gốc của tội ác, có công nhất định thưởng, có tội nhất định phạt, làm
cho cân ngang nhau, chỉnh lý việc đo lường, điều chỉnh nặng nhẹ, phá vỡ
các đường thiên, đường mạch (59) để cho dân ổn định được nghề nghiệp.
Do đó thống nhất được tục lệ, khuyến khích người cày làm hết cái lợi của
đất, một nhà không lo hai việc, ra sức cày ruộng, súc tích lương thực, tập
nghề chiến trận; kết quả, khi dám binh dành thì mở đất rộng, khi nghỉ binh
thì nước được giàu, cho nên trong thiên hạ không đâu địch nổi, có uy thế
đối với chư hầu, lập thành cơ nghiệp nước Tần. Công ông ta đã thành, rút
cục ông ta lại bị xe xé xác. Đất Sở vuông mấy ngàn dặm, người cầm kích
một trăm vạn, Bạch Khởi chỉ huy mấy vạn quân, đánh nhau với Sở, đánh
một trận lấy đất Yến, đất Sính, đốt Di Lăng; đánh hai trận phía Nam lấy đất
Thục, đất Hán, rồi vượt qua nước Hàn, nước Ngụy đánh nước Triệu mạnh;
phía Bắc chôn sống Mã Phục, làm cỏ hơn bốn mươi vạn người, họ bị chôn
ở gần Trường Bình, máu chảy thành sông, sóng sôi lên như sấm (70). Sau
đó, vào vây Hàm Đan, khiến cho nước Tần có được cơ nghiệp đế vương.
Nước Sở, nước Triệu là nước mạnh trong thiên hạ và là kẻ thù của nước
Tần. Nhưng từ đó về sau, Sở, Triệu đều nem nép sợ không dám đánh Tần
nữa. Đó là cái thế của Bạch Khởi. Bạch Khởi thân hành đánh lấy bảy mươi
thành, nhưng khi công đã thành, lại bị nhà vua trao kiếm chịu chết ở Đỗ
Bưu. Ngô Khởi lập phép tắc cho vua Sở Điệu Vương, giảm bớt uy lớn của
các quan đại thần, bãi những người không có năng lực, những người vô
dụng, bỏ những chức quan không cần kíp, trừ việc xin xỏ ở cửa nhà tư,