Vua Tần và quần thần nhìn nhau cùng hậm hực. Các quần thần muốn kéo
cổ Tương Như đi. Vua Tần nhân đó nói:
-Bây giờ giết Tương Như cũng không lấy được ngọc, mà chỉ làm tuyệt tình
giao hảo giữa Tần và Triệu. Chi bằng nhân việc này mà hậu đãi ông ta, cho
ông ta về Triệu. Vua Triệu há vì một viên ngọc bích mà lừa dối Tần sao?
Do đó, vua Tần vẫn tiếp Tương Như ở triều đình, lễ xong cho về. Sau khi
Tương Như về, vua Triệu khen Tương Như là một quan đại phu giỏi, đi sứ
không khuất nhục với chư hầu, bèn phong Tương Như làm thượng đại phu.
Kết quả Tần cũng không đổi thành cho Triệu. Triệu cũng không đem ngọc
bích cho Tần.
4. Về sau, Tần đánh Triệu, lấy Thạch Thành (năm 282 trước Công nguyên).
Năm sau lại đánh Triệu, giết hai vạn người. Vua Tần sai sứ giả nói với
Triệu Vương muốn họp nhau ở Dẫn Trì, ngoài Tây Hà để giảng hoà. Vua
Triệu sợ
Tần, định không đi. Liêm Pha, Lạn Tương Như bàn mưu:
- Nhà vua không đi thì tỏ ra nước Triệu yếu và nhát.
Vua Triệu bèn đi, Tương Như đi theo, Liêm Pha tiễn đến biên giới, từ biệt
nhà vua nói:
- Nhà vua đi, tính đường đi về cùng hội họp, chẳng quá ba mươi ngày, nếu
ba mươi ngày không về, xin lập thái tử làm vua để cho Tần hết hy vọng(3).
Nhà vua nghe theo. Bèn họp với vua Tần ở Dẫn Trì. Vua Tần uống rượu
say, nói:
- Quả nhân trộm nghĩ Triệu Vương giỏi nhạc, xin gảy đàn sắt cho nghe.
Vua Triệu gảy đàn sắt. Ngự sử nước Tần tiến lên chép:
- Ngày... tháng... năm... vua Tần cùng vua Triệu hội họp uống rượu, khiến
vua Triệu gảy đàn sắt.
Tương Như tiến lên nói:
- Vua Triệu trộm nghe nói vua Tần giỏi về âm nhạc nước Tần, xin bưng cái
vùa sành đến vua Tần gõ để cùng vuivới nhau(4).Vua Tần giận không chịu.
Nhưng Tương Như cứ tiến lên dâng cái vùa. Nhân quỳ xuống mời vua Tần,
vua Tần không chịu gõ, Tương Như nói: