suốt biết con mình. Cha mất không phong các con, còn nói gì được nữa?
Triệu Cao nói:
- Không phải. Lúc này quyền thế trong thiên hạ, việc mất hay còn là ở ông,
Cao và thừa tướng mà thôi: Xin ông nghĩ cho! Vả lại, việc bắt người ta làm
bầy tôi với việc làm bầy tôi người ta; chế ngự người ta với việc bị người ta
chế ngự là khác nhau một vực một trời.
Hồ Hợi nói:
- Bỏ anh lập em là bất nghĩa; không theo lời chiếu của cha mà sợ chết là bất
hiếu; sức kém, tài mỏng, nhờ sức người khác là không tài năng. Cả ba cái
này đều trái với đức thì thiên hạ không phục; làm thế thân mình sẽ gặp tai
nạn, xã tắc không được cúng tế.
Triệu Cao nói:
- Tôi nghe vua Thang, vua Vũ giết vua của mình mà thiên hạ khen họ là
nghĩa, không cho họ là không trung, vua Vệ giết cha mà nước Vệ khen ông
ta là có đức, Khổng Tử chép việc ấy, không cho là không hiếu. Phàm làm
việc lớn thì không kể đến những điều vặt vãnh; đức dày thì không nhường
nhịn. Việc vặt ở nơi xóm làng thì xóm làng bàn, trăm quan công việc mỗi
người một khác. Cho nên, nếu để ý đến việc nhỏ mà bỏ quên việc lớn thì
thế nào sau này cũng gặp hại, cứ dùng dằng nghi ngờ mãi thì thế nào sau
này cũng hối hận, người quyết đoán và dám làm, quỷ thần phải tránh, thì về
sau sẽ thành công. Xin ông nghe theo lời tôi.
Hồ Hợi thở dài than:
- Nay việc vua mất còn giấu, việc tang lễ chưa xong, lẽ nào lại đem việc
này bàn với thừa tướng sao?
Triệu Cao nói:
- Thời cơ, thời cơ gấp rút, nếu trì hoãn thì không trù tính gì được. Phải
mang lương khô ruổi ngựa còn sợ lỡ cơ hội(10)
Sau khi Hồ Hợi đã nghe lời Cao, Cao nói:
- Nếu chúng ta không bàn mưu với thừa tướng thì sợ công việc không
thành. Thần xin vì ngài bàn mưu ấy với thừa tướng.
Cao bèn nói với thừa tướng Lý Tư(11):
- Nhà vua băng hà, đưa thư cho con đầu bảo làm lễ an táng ở Hàm Dương