- Tôi nghe: “Biết cái trời của trời thìcó thể làm nên cơ nghiệp vương, không
biết cái trời của trời thì không thể làm nên cơ nghiệp vương”. Nhà vua lấy
dân chúng làm trời, còn dân chúng thì lấy cái ăn làm trời. Ngao Thương là
nơi lâu nay chuyên chở thóc của thiên hạ đến. Tôi nghe nói ở dưới đất cất
giấu thóc lúa rất nhiều. Quân Sở lấy Huỳnh Dương, không lo giữ Ngao
Thương mà lại đem quân đi về hướng Đông, sai những quân lính bị đày
chia nhau giữ Thành Cao. Đó là trời cho nhà Hán vậy. Nay Sở dễ lấy mà
Hán lại tự vứt cái chỗ tiện lợi của mình đi, tôi trộm cho là sai. Vả lại hai
sức mạnh không thể cùng sống. Sở, Hán giằng co với nhau đã lâu chưa biết
ai được ai thua, trăm họ nhốn nháo, thiên hạ rối loạn, kẻ đi cày bỏ cày, đàn
bà dệt vải bỏ khung cửi, lòng thiên hạ chưa định về đâu, xin túc hạ mau
mau tiến quân đánh Huỳnh Dương, giữ thóc lúa Ngao Thương, chẹn lấy cái
hiểm của Thành Cao, chặn con đường Thái Hàng, chiếm cửa ải Phỉ Hồ, giữ
bến Bạch Mã để tỏ cho chư hầu thấy cái thế mạnh về địa hình thì thiên hạ
biết họ về với ai. Trong lúc này các nước Yên và Triệu đã bình định rồi, chỉ
còn nước Tề là chưa lấy được. Điền Quảng chiếm cứ một nước Tề rộng
ngàn dặm, Điền Gian cầm hai mươi vạn quân đóng ở Lịch Thành, dòng dõi
họ Điền hùng mạnh, lại dựa vào biển, có các sông Hà, sông Tế che chở,
phía Nam gần nước Sở. Người Tề hay thay đổi dối trá, túc hạ tuy phái đạo
quân mấy chục vạn, nhưng chưa thể trong vòng một năm vài tháng mà phá
được. Tôi xin phụng chiếu, thuyết phục vua Tề, khiến nước Tề theo Hán
làm cái rào giậu phía Đông của Hán.
Nhà vua nói:
- Hay lắm!
Bèn theo kế của Lịch Sinh, lại giữ Ngao Thương, sai Lịch Sinh du thuyết
vua Tề. Lịch Sinh nói với vua Tề:
- Nhà vua có biết thiên hạ sẽ về đâu không?
- Không biết!
- Nếu nhà vua biết thiên hạ sẽ về đâu thì có thể có được nước Tề, nếu
không biết thiên hạ sẽ về đâu thì sẽ không giữ được nước Tề.
Vua Tề hỏi:
- Thiên hạ sẽ về đâu?